Đề xuất tỷ lệ sở hữu cổ đông ngoại dưới 6%, Eximbank tính chuyện đường dài
HĐQT Eximbank trình xin ý kiến cổ đông xem xét, thông qua đề xuất quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 06% vốn điều lệ của nhà băng từng thời kỳ.
Hạ room ngoại để chờ nhà đầu tư chiến lược
Lý do phía nhà băng đưa ra là nhằm mục đích ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank, đồng thời, để giữ và duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào Eximbank.
Tại ngày 3/4/2025, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank ở mức 3,64%, room ngoại còn trống lên tới 491 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 26,33%.
Do đó, đề xuất lần này không làm ảnh hưởng đến cơ cấu hiện tại của Eximbank, cũng như không gây ra sự xáo trộn về giao dịch cổ phiếu của các cổ đông Eximbank.
Trên thị trường hiện nay, nhiều ngân hàng đã khóa room ngoại ở mức thấp để chờ đối tác chiến lược như LPBank (5%), SeABank (5%), BVBank (5%), VIB (4,99%), phục vụ cho mục tiêu tăng thêm vốn.

Đề xuất tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 6%.
Chiến lược mới của Eximbank
Tại tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2025,Ban tổng giám đốc Eximbank đã trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Theo đó, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10,7% lên 265.500 tỷ đồng, huy động vốn 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 16,2% lên mức 195.500 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 5.188 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm trước.
Đặc biệt, Eximbank đặt chỉ tiêu rất cao về xử lý nợ xấu, xuống mức 1,99%, giảm 0,54% so với mức 2,53% năm 2024. Đây là tỷ lệ lý tưởng so với mặt bằng chung nợ xấu của các ngân hàng hiện nay.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Eximbank tăng trưởng hai con số so với năm 2024.
Eximbank xác định chiến lược tăng trưởng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng theo hướng bền vững – an toàn – hiệu quả. Cải thiện NIM thông qua đẩy mạnh phân khúc ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME, tăng cường khai thác hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, gia tăng nguồn vốn không kỳ hạn (CASA), nguồn vốn có chi phí thấp từ các tổ chức kinh tế và dân cư.
Bên cạnh đó, bám sát diễn biến thị trường, tận dụng cơ hội để tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh doanh. Tiếp tục củng cố uy tín Eximbank trên thị trường, gia tăng hạn mức đối tác trong và ngoài nước, mở rộng phát hành trái phiếu, từng bước thu hút các khoản vay hợp vốn trên thị trường quốc tế. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn hoạt động, kiểm soát.
Eximbank xác định chiến lược xây dựng ngân hàng số toàn diện, cung cấp các sản phẩm tài chính số hiện đại cho khách hàng, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số và đầu tư vào các công nghệ lõi để nâng cao năng lực hệ thống.
Các chỉ tiêu kế hoạch 2025 vừa được Eximbank công bố khá thách thức trong bối cảnh bức tranh kinh tế còn nhiều biến động. Các yếu tố như lãi suất, tỷ giá và rủi ro từ thị trường tài chính quốc tế sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức không nhỏ cho ngành ngân hàng.
Dù vậy, với kết quả vượt kế hoạch trong năm 2024 cùng những chuyển đổi từ nội tại tổ chức như cơ cấu cổ đông, định hướng chiến lược phát triển lấy khách hàng làm trọng tâm, tăng cường hệ thống quản trị rủi ro… cùng mục tiêu mở rộng thị trường và sức ảnh hưởng thương hiệu tại miền Bắc, là những tín hiệu lạc quan cho thấy dư địa phát triển của Eximbank còn nhiều.