Lối đi nào cho trung tâm tài chính tại Đà Nẵng?
Việc tìm ra một 'lối đi riêng' độc đáo và đột phá là yếu tố then chốt để Đà Nẵng có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực. Nhà nước cần thiết lập khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), tạo môi trường an toàn để phát triển các công nghệ tài chính tiên tiến.

Một góc Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Thành phố biển sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm tài chính. Ảnh: Quốc Tiến
Việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng, theo Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 259/NQ-CP của Chính phủ, mở ra cơ hội phát triển đột phá cho thành phố biển miền Trung. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Đà Nẵng cần một chiến lược khác biệt, tận dụng lợi thế riêng có và vượt qua những thách thức đặc thù.
Được mệnh danh là cửa ngõ của khu vực miền Trung, Đà Nẵng sở hữu hạ tầng giao thông tương đối hiện đại với cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, đường sắt, đường bộ Bắc-Nam và hạ tầng công nghệ thông tin thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Vị trí địa lý của Đà Nẵng là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây, hứa hẹn một thị trường dịch vụ tài chính tiềm năng kết nối với Myanmar, Thái Lan và Lào.
Những thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ban đầu, Đà Nẵng đối diện với không ít thách thức. Sự thiếu vắng của các tổ chức tài chính lớn, nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, cùng với vị thế chưa phải là trung tâm trung chuyển hàng hóa và vốn lớn như Singapore hay Hong Kong, tạo ra những rào cản cạnh tranh đáng kể. Hơn nữa, hệ thống pháp lý cho các trung tâm tài chính ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, thiếu một hành lang pháp lý riêng biệt.
Trong bối cảnh đó, việc tìm ra một "lối đi riêng" độc đáo và đột phá là yếu tố then chốt để Đà Nẵng có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực.
Nhà nước cần khẩn trương rà soát và ban hành một khung pháp lý riêng cho Trung tâm Tài chính Đà Nẵng, học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính thành công trong khu vực như Singapore, Hong Kong. Việc ban hành luật hoặc nghị định riêng về trung tâm tài chính, bao gồm các quy định về đầu tư, chứng khoán, thuế, thành lập doanh nghiệp và ưu đãi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và thu hút đầu tư.
Đặc biệt, cần thiết lập khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các lĩnh vực fintech mới như tiền kỹ thuật số, ví điện tử, ngân hàng số, cho vay ngang hàng P2P, tạo môi trường an toàn để thử nghiệm và phát triển các công nghệ tài chính tiên tiến.
Tài chính xanh và các lợi thế cạnh tranh khác
Bên cạnh giải quyết những thách thức trên, thành phố Đà Nẵng cần tạo dựng các lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.
Về khía cạnh thu hút nhân tài và các nhà đầu tư, Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân hấp dẫn, ví dụ như miễn thuế trong giai đoạn đầu hoặc áp dụng mức thuế suất thấp. Với lợi thế là một thành phố đáng sống, môi trường tự nhiên tốt, chính sách đãi ngộ về thuế sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút chuyên gia tài chính trình độ cao đến sinh sống và làm việc.
Song song với đó, Đà Nẵng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ thông qua việc hợp tác với các trường đại học lớn để triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về fintech và các lĩnh vực tài chính mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho trung tâm tài chính.

Để phát triển trung tâm tài chính, nhà nước nên có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Nhà nước có thể miễn thuế trong 5 năm đầu hoặc giảm xuống mức thấp từ 5-10% để thu hút nhà đầu tư cũng như nhân tài đến hoạt động và làm việc tại Đà Nẵng.
Thay vì cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm tài chính lớn, Đà Nẵng nên định hướng cung cấp dịch vụ tài chính cho các thị trường mới nổi có quy mô kinh tế tương đồng trong khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Lợi thế về chi phí dịch vụ cạnh tranh và yêu cầu công nghệ phù hợp có thể giúp Đà Nẵng chiếm lĩnh thị phần ở các thị trường này.
Một "lối đi riêng" đầy tiềm năng khác cho Đà Nẵng là tập trung vào phát triển tài chính xanh. Với việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP định hướng phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon, Đà Nẵng có thể tiên phong hình thành sàn giao dịch này tại trung tâm tài chính, cung cấp dịch vụ mua bán tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp phát thải lớn trong nước như điện lực, xi măng, sắt thép, dầu khí. Đây là một lĩnh vực mới với nhiều tiềm năng phát triển và ít cạnh tranh trực tiếp từ các trung tâm tài chính lớn hiện tại.
Thông tin từ UBND thành phố Đà Nẵng cho thấy, trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Trung tâm Tài chính Đà Nẵng dự kiến sẽ áp dụng luật Anh - Mỹ (Common Law) và giải quyết tranh chấp theo phán quyết của tòa án quốc tế, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Đây là một bước đi táo bạo, tạo ra sự khác biệt và có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế quen thuộc với hệ thống pháp luật này.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã chuẩn bị quỹ đất sạch với vị trí và hạ tầng tốt, liền kề Khu Công viên phần mềm số 2, hướng tới xây dựng một khu phức hợp hiện đại, tích hợp văn phòng, nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ công nghệ tài chính. Kế hoạch mở rộng quỹ đất trong dài hạn cũng cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự phát triển bền vững của trung tâm tài chính.
(*) Viện quản trị và Công Nghệ FSB- Đại học FPT
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng trong một cuộc họp vào tuần trước. Hiện nay, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam - đang phối hợp với các bộ, ngành, hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và TPHCM để hoàn thiện nghị quyết, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới. Trong đó, Đà Nẵng sẽ có trung tâm tài chính khu vực.