Đề xuất lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Chính phủ đề xuất Thủ tướng quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình dự án luật.
Chiều 23/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Theo Bộ trưởng, lần sửa đổi này tập trung vào việc xây dựng các công cụ tài chính, kỹ thuật tăng cường trong hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, tuân thủ các yêu cầu mới của thị trường quốc tế.
Dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội có hai loại ý kiến.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc thành lập Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ trong thời điểm hiện nay vì nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, có nét tương đồng với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Hiện tại, Luật Ngân sách nhà nước đã quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Bộ luật Dân sự đã quy định về các quỹ xã hội nên không cần thiết quy định về Quỹ này.
Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định này vì lý do Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập ở trung ương, giao Bộ Công thương quản lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành một phần do nhà nước cấp (vốn mồi) và các nguồn khác từ xã hội hóa. Hoạt động của Quỹ sẽ theo phương thức quỹ ủy thác thực hiện việc huy động và giải ngân, nguyên tắc hoạt động phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý… góp phần thực hiện các cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đã thành lập Quỹ này.
Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, việc thành lập Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là có sơ sở, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong dự thảo Luật làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện
Với chính sách về chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, Dự thảo đưa ra khái niệm “Công ty dịch vụ năng lượng”.
Theo Thường trực Ủy ban thẩm tra, đây là mô hình kinh doanh mới được sử dụng hiệu quả tại nhiều nước phát triển do tính ưu việt trong việc đầu tư trước thiết bị năng lượng cho người dùng và hoàn trả chi phí thiết bị trong quá trình sử dụng. Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương, việc thực hiện Hợp đồng hiệu quả năng lượng thông qua các Công ty dịch vụ năng lượng đã đóng góp đáng kể cho việc mở rộng thị trường hiệu quả năng lượng và giảm dần vốn từ ngân sách của Chính phủ vì các nhà đầu tư tư nhân cùng các bên liên quan đã được huy động tham gia đầu tư vào các công trình hiệu quả năng lượng.
Ở Việt Nam, mô hình Công ty dịch vụ năng lượng chưa được phổ biến, hoạt động mang tính tự phát giữa các doanh nghiệp, chưa có sự tham gia và giám sát của bên thứ ba… Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị cần làm rõ mô hình hoạt động, sự cần thiết của loại hình Công ty dịch vụ năng lượng trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bổ sung nội hàm quản lý đối với loại hình kinh doanh mới này để thực hiện hiệu quả mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; có chính sách ưu đãi phát triển đối với loại hình này và giao Chính phủ quy định cụ thể.
Lần sửa đổi này, Chính phủ cũng đề xuất thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với nội dung ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Đồng thời thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ quản lý chuyên ngành trong nội dung ban hành danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện. Bãi bỏ nội dung Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sẽ thực hiện cắt giảm 2 thủ tục hành chính (tỉ lệ cắt giảm 50%) về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng, giữ nguyên 2 thủ tục cấp chứng chỉ người quản lý năng lượng và chứng nhận phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng.
Nhấn mạnh đây là dự án luật hết sức quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, trong điều kiện Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, rà soát để đảm bảo không chồng chéo với các luật khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ tiếp thu ý kiến tại báo cáo thẩm tra và tại phiên thảo luận để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín tới đây.