Đề xuất sửa quy định kéo dài thời gian công tác từ cấp bộ trưởng trở lên

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bỏ quy định cán bộ giữ chức vụ từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên có thể được kéo dài thời gian công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trình Quốc hội sáng nay có nhiều thay đổi về tuyển dụng, phân loại, cách đánh giá công chức.

Trong đó, dự thảo luật đề xuất bỏ quy định kéo dài thời gian công tác từ cấp bộ trưởng trở lên.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Cụ thể, dự thảo luật bỏ toàn bộ nội dung từ điều 26 tới điều 29 về điều động, luân chuyển cán bộ, mục đích, nội dung đánh giá cán bộ, xếp loại chất lượng cán bộ. Với những nội dung này, dự thảo chỉ quy định nguyên tắc. Việc thực hiện làm theo các quy định của pháp luật và của Đảng về công tác cán bộ.

Đồng thời, dự thảo luật có điều 19 về thực hiện công tác cán bộ. Điều này quy định việc điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với cán bộ và các nội dung khác liên quan đến công tác cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 30 ở luật hiện hành về xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm được thay bằng điều 20 về việc từ chức, miễn nhiệm và nghỉ hưu.

Tại điều 30 quy định cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp: không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ; vì lý do khác. Những trường hợp này được bỏ hoàn toàn ở điều 20. Thay vào đó, điều 20 quy định: Việc cho thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và của cơ quan có thẩm quyền.

Với cán bộ, ở dự thảo luật cũng bỏ quy định cán bộ giữ chức vụ từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên có thể được kéo dài thời gian công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đặc biệt. Thay vào đó, dự thảo chỉ quy định cán bộ được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Không phân loại công chức lãnh đạo hay không lãnh đạo

Điều 34 luật hiện hành phân loại công chức dựa vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ.

Cụ thể, công chức được phân loại theo ngạch công chức: loại A, B, C, D tương đương với các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên. Ngoài ra, căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại: công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), việc phân loại công chức dựa vào thứ bậc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), việc phân loại công chức dựa vào thứ bậc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nội dung này được thay đổi ở điều 21 dự thảo luật. Theo đó, việc phân loại công chức không theo vị trí công tác, chỉ phân loại theo thứ bậc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể, công chức gồm: công chức ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên, ngạch cán sự và nhân viên.

Cũng tại điều này, ngoài các nguyên tắc tuyển dụng công chức được kế thừa từ luật hiện hành, dự thảo luật quy định người tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, thay vì “tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm” như hiện nay.

Tại điều 23 về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, dự thảo luật bỏ nội dung yêu cầu có văn bằng, chứng chỉ phù hợp vì đã nằm trong tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm dự tuyển.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-sua-quy-dinh-keo-dai-thoi-gian-cong-tac-tu-cap-bo-truong-tro-len-2398579.html
Zalo