Đề xuất quy định ngân sách nhà nước trong nghiên cứu, phát triển năng lượng nguyên tử
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, chiều 6-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nguyên tử. Việc này nhằm đảm bảo nguồn lực ổn định và lâu dài.

Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), một số đại biểu đề xuất kết hợp các khuôn khổ tài chính rõ ràng trong dự thảo luật để quản lý chi phí vốn cao của nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Bộ Công Thương
TTXVN đưa tin, đại biểu đến từ tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung thêm quy định, tùy thuộc vào từng thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Quốc hội sẽ ban hành các cơ chế, chính sách đặc biệt về lựa chọn đối tác, thủ tục đầu tư, huy động nguồn vốn cho từng dự án nhà máy điện hạt nhân.
Về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần "xem xét cho phù hợp". Dự thảo đang quy định thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đối chiếu với các luật có liên quan như Điều 3, Điều 8, Điều 18 Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. Tương tự, theo Điều 30 Luật Đầu tư, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là Quốc hội.
Do vậy, trong trường họp Thủ tướng Chính phủ quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, thì cần sửa các nội dung trong Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư để khi triển khai áp dụng không vướng mắc.
Về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, để rút ngắn thủ tục đầu tư mà vẫn đảm bảo kiểm soát của cơ quan quản lý, đại biểu cũng đề nghị xem xét không phê duyệt, mà chỉ thẩm định báo cáo phân tích an toàn cho giai đoạn xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân. Quá trình thẩm định song song với quá trình thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Phạm vi thẩm định là các hạng mục công trình liên quan đến an toàn hạt nhân, trong nghị định hướng dẫn cần quy định rõ các hạng mục công trình nào liên quan đến an toàn hạt nhân để có cơ sở thực hiện.
Đối với vận hành thử nhà máy điện hạt nhân, dự thảo luật đang xây dựng theo hướng tổ chức vận hành phải lập chương trình vận hành thử, báo cáo phân tích an toàn hạt nhân cho giai đoạn vận hành thử, nộp cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân thẩm định, phê duyệt và trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng phải có giấy phép vận hành thử về an toàn hạt nhân.
Đại biểu đến từ tỉnh Khánh Hòa đề xuất thiết lập một cơ quan quản lý độc lập với Bộ Công Thương và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, đảm bảo minh bạch về an toàn hạt nhân và cấp phép.
Đại biểu cũng đề xuất kết hợp các khuôn khổ tài chính rõ ràng trong dự thảo luật để quản lý chi phí vốn cao của nhà máy điện hạt nhân, bao gồm các khoản dự phòng cho vay quốc tế, trái phiếu doanh nghiệp và quan hệ đối tác công tư (PPP); thiết lập cơ chế bảo đảm hiệu quả kinh tế, giảm thiểu nợ công.
Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, dự thảo chỉ quy định về công việc bức xạ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu; đề nghị đề cập thêm các hoạt động như mua bán, vận chuyển chất phóng xạ vì trên thực tế vẫn có hoạt động mua bán, vận chuyển chất phóng xạ giữa các đơn vị y tế với nhau. Dự thảo luật nên sửa "bệnh nhân" thành "người bệnh", thống nhất theo đúng quy định chung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua.