Đề xuất nhà trọ dài hạn là loại hình nhà ở xã hội

Để thực hiện mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, HoREA tiếp tục đề xuất một loạt giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, quỹ đất... Đáng chú ý, HoREA đề xuất nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là một loại nhà ở xã hội.

Đề xuất nhà trọ dài hạn là loại hình nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Đáng chú ý, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận “nhà trọ cho thuê dài hạn theo tháng, theo năm” cũng là một loại nhà ở xã hội, là “nhà ở riêng lẻ” do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho thuê, mà người thuê chủ yếu là công nhân, lao động, người nhập cư, để cho các chủ nhà trọ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

HoREA đề xuất nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là một loại nhà ở xã hội.

HoREA đề xuất nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là một loại nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA dẫn chứng, điển hình là TPHCM có khoảng 60.470 người kinh doanh phòng trọ cho thuê dài hạn với tổng số phòng trọ 560.000 phòng, đáp ứng chỗ thuê trọ cho 1,4 triệu người nhưng hiện nay, do chưa được hỗ trợ theo chính sách nhà ở xã hội nên các chủ nhà trọ cho thuê dài hạn phải nộp thuế “khoán” bằng 7%/doanh thu “dịch vụ lưu trú dài hạn” bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính, tương tự như các chủ khách sạn mini cũng nộp thuế “khoán” bằng 7%/doanh thu “dịch vụ lưu trú ngắn hạn” (theo ngày, theo giờ…) là không hợp tình hợp lý.

“Nếu công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn là một loại hình nhà ở xã hội thì các chủ nhà trọ này sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về thuế như được giảm 50% thuế suất thuế GTGT và thuế TNCN đối với nhà ở xã hội thì chủ nhà trọ cho thuê dài hạn chỉ phải nộp thuế khoán/doanh thu là 3,5% và còn được vay tín dụng ưu đãi để xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà trọ phục vụ người thuê trọ”, ông Châu nói.

Đề xuất giảm lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội

Bên cạnh đó, Hiệp hội tiếp tục đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, quỹ đất, quy mô phát triển nhà ở xã hội…

Theo đó, trước mắt, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình cấp có thẩm quyền xem xét cho phép Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”, để thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/05/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

HoREA cũng đề xuất giảm lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội.

HoREA cũng đề xuất giảm lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội.

Cụ thể, trong Nghị quyết thí điểm này, Hiệp hội đề nghị quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80 của Luật Nhà ở thì cơ quản lý nhà ở cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ và trình UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Cơ quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ và lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan về nội dung dự án và lập báo cáo trình UBND cấp tỉnh theo quy định tại các điểm a, b, đ, e khoản 1, khoản 2, các điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Luật Nhà ở.

Về lâu dài, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung nội dung đề xuất trên vào điểm c khoản 4 Điều 84 Luật Nhà ở 2023 để thống nhất một đầu mối là cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh (Sở Xây dựng) thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định 100/2024/NĐ-CP để cho phép Ngân hàng chính sách xã hội được cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để cho thuê, để tuân thủ quy định tại Điều 25, Điều 26 và khoản 3 Điều 71 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 4,7%/năm áp dụng cho đối tượng hộ nghèo vay năm 2025 tại Ngân hàng chính sách xã hội, để thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng chính sách xã hội quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, theo đó người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.

Bởi lẽ, theo HoREA, công văn số 4524 ngày 01/08/2024 của Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm nên người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội phải vay “ưu đãi” với lãi suất 6,6%/năm là quá cao.

Tại báo cáo tổng kết công tác năm 2024 ngày 14/12, Bộ Xây dựng thông tin về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, mức hoàn thành được mới là 21.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng hơn 16% kế hoạch.

Trong năm 2025, Bộ Xây dựng đề ra kế hoạch, nhiệm vụ hoàn thành số lượng căn hộ nhà ở xã hội ước tính trên 100.000 căn.

Đình Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-nha-tro-dai-han-la-loai-hinh-nha-o-xa-hoi-post1715705.tpo
Zalo