Đề xuất mới nhất về chế độ, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Về đóng bảo hiểm thất nghiệp, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện và thời điểm điều chỉnh mức đóng, có ý kiến đề nghị xem xét bỏ từ 'tối đa' để tránh cách hiểu có thể đóng dưới 1%...

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được trình bày trúoc Quốc hội sáng 7-5, về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này không có trong quy định của Luật hiện hành mà được quy định tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH. Dự thảo Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung nội dung này. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (Điều 32), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ đối với người lao động tuân thủ và đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp khi về hưu hoặc hỗ trợ thân nhân người lao động khi gặp rủi ro về việc làm.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Bản chất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho chính người lao động để duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động nhanh chóng quay lại thị trường lao động và bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc làm nên người lao động khi về hưu và thân nhân của người lao động không phải là đối tượng thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật.

Về đóng bảo hiểm thất nghiệp, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện và thời điểm điều chỉnh mức đóng. Có ý kiến đề nghị xem xét bỏ từ “tối đa” để tránh cách hiểu có thể đóng dưới 1%. Có ý kiến đề nghị giữ mức đóng bảo hiểm thất nghiệp như quy định hiện hành và tập trung bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định đóng “tối đa” không có nghĩa là người sử dụng lao động, người lao động tùy nghi lựa chọn mức đóng mà mức đóng này sẽ được Chính phủ quy định cụ thể và áp dụng đối với tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tại khoản 9 Điều 35 đã giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp. Căn cứ vào kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo từng thời kỳ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội được giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định việc lựa chọn thời gian đóng hàng tháng, 3 tháng hay 6 tháng phải được đăng ký với cơ quan bảo hiểm để tăng tính trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và tạo thuận lợi cho các cơ quan bảo hiểm trong công tác quản lý. Có ý kiến đề nghị tăng cường chế tài và quy định rõ trách nhiệm, xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời bổ sung giải pháp lâu dài, quy định thời gian chậm đóng tối đa và bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong các trường hợp này…

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện tại khoản 2 và khoản 5 Điều 35.

Về đăng ký lao động (Chương III), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về: Nguyên tắc đăng ký lao động (Điều 17); Thông tin đăng ký lao động (khoản 1 Điều 18); Quyền và nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động (Điều 19); Kết nối, cập nhật, chia sẻ các thông tin đăng ký lao động từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác (khoản 4 Điều 18)…

Ngọc Minh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-ve-che-do-muc-dong-bao-hiem-that-nghiep-post611007.antd
Zalo