Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

ĐBQH kiến nghị dự thảo Luật Việc làm sửa đổi điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp dịch bệnh quy mô lớn, Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên tối đa 75%.

Sáng 7-5, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Nội dung tại dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến quy định về trợ cấp thất nghiệp.

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Nêu ý kiến, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng mức hưởng này là thấp, khó bảo đảm mức sống tối thiểu trong bối cảnh mất thu nhập hoàn toàn, đặc biệt là trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, khi khả năng tìm việc mới giảm mạnh.

Ông Bình cho biết theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65- 75% thu nhập bình quân. Nhiều nước như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản đang ở mức 66- 70%.

 ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: PHẠM THẮNG

Từ thực tế trên, ĐB kiến nghị dự thảo Luật nên điều chỉnh quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn, Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên tối đa 75%.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) bày tỏ băn khoăn về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

 ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ĐB, trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, những người này vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với các trường hợp này cũng nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong thời gian chờ lương hưu, ĐB kiến nghị.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định một trong những điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động “đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động”.

ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) nêu thực tế một số doanh nghiệp đã khấu trừ tiền lương của lao động hằng tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Điều này dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể ‘chốt’ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

 ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong khi đó, thu bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội. Việc xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng là của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng khi cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp lại không cho người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động.

Do vậy, ĐB Sơn đề nghị nên sửa điều luật này theo hướng quy định “người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động…”.

“Hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử lý, xử lý hành chính, lãi chậm đóng, thu hồi khoản nợ để đòi lại khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp từ người sử dụng lao động”- ông Sơn nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-nang-muc-huong-tro-cap-that-nghiep-post848409.html
Zalo