Để 'anh nuôi' hoàn thành tốt nhiệm vụ
Công tác bảo đảm hậu cần nói chung và nuôi dưỡng bộ đội nói riêng giữ vai trò rất quan trọng, nhất là với các đơn vị chủ lực đủ quân. Vì vậy, cùng với lựa chọn những chiến sĩ nuôi quân thực sự tâm huyết, yêu nghề, các đơn vị luôn chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn nhằm giúp các 'anh nuôi' đảm đương, thực hiện tốt nhiệm vụ. Ghi nhận tại Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2).
Trở lại Trung đoàn 174, chúng tôi chứng kiến nơi đây có nhiều đổi thay từ cảnh quan, môi trường đến hệ thống nhà ở, nhà ăn của bộ đội. Cùng chỉ huy Trung đoàn đến kiểm tra chất lượng bữa ăn tại bếp ăn Tiểu đoàn 1, chúng tôi thấy Binh nhất Quàng Văn Yên, tổ nhà bàn đang nhanh tay chia món thịt gà rang lá chanh thơm phức lên đĩa. Ở các vị trí khác, các chiến sĩ nuôi quân người chia rau, người chia canh, người chuẩn bị bát đũa với tinh thần khẩn trương vì sắp đến giờ ăn trưa của bộ đội...
Theo Đại úy QNCN Nguyễn Văn Học, nhân viên quản lý bếp ăn Tiểu đoàn 1, quân số phục vụ của bếp tùy theo từng giai đoạn thực hiện nhiệm vụ, những lúc đông người ăn, quân số phục vụ lên đến hơn 30 người. Ngoài đồng chí quản lý bếp còn có một nhân viên được đào tạo trung cấp nấu ăn. Khi các chiến sĩ được lựa chọn từ đơn vị về nhà bếp để thực hiện nhiệm vụ nuôi quân sẽ được nhân viên nấu ăn và đồng chí quản lý, trợ lý hậu cần bồi dưỡng theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tự đào tạo tại bếp. Để thuận lợi cho công việc, các chiến sĩ được sắp xếp vào các bộ phận như: Tổ nấu, tổ sơ chế, tổ nhà bàn... Sau đó sẽ định kỳ luân chuyển vị trí làm việc để ai cũng có thể đảm đương được công việc của nhau.
Bên cạnh đó, một năm hai lần, nhà bếp sẽ cử 3-5 đồng chí tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn do Sư đoàn hoặc Trung đoàn tổ chức, làm cơ sở để anh em tự bồi dưỡng, kèm cặp lẫn nhau. Binh nhất Quàng Văn Yên chia sẻ: “Tôi nhập ngũ đầu năm 2023, sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, tôi được lựa chọn xuống nhà bếp làm công tác phục vụ hơn một năm nay. Ban đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng được các chú, các anh đi trước kèm cặp, hướng dẫn nên tôi đã biết một số kỹ thuật sơ chế, nấu các món ăn theo thực đơn được cấp trên phê duyệt. Trong thời gian tại ngũ, dù được giao việc gì tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt để đáp lại niềm tin yêu của thủ trưởng cấp trên và gia đình”.
Làm việc với Ban Hậu cần-Kỹ thuật Trung đoàn 174 chúng tôi được biết, đơn vị có 6 bếp ăn tập trung, trong đó có 3 bếp cấp tiểu đoàn, 2 bếp cấp đại đội trực thuộc và một bếp khối cơ quan, mỗi bếp có một nhân viên nấu ăn được đào tạo cơ bản, còn lại đều lấy chiến sĩ nghĩa vụ làm việc. Tuy các chiến sĩ không được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn bài bản qua trường lớp nhưng nhờ làm tốt công tác tập huấn, kèm cặp, tự học tập lẫn nhau, các đồng chí đều đã thạo việc, không chỉ biết nấu ăn tại doanh trại mà còn biết đào và sử dụng bếp Hoàng Cầm phục vụ bộ đội khi ăn ở dã ngoại, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hành quân, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, hằng tháng, các chiến sĩ nuôi quân đều được bố trí thời gian để huấn luyện tại chức quân sự, giáo dục chính trị, chuyên ngành hậu cần, kỹ thuật...
Công việc hằng ngày của các "anh nuôi" rất đặc thù, thường phải dậy từ 3 giờ sáng và kết thúc vào tối muộn. Bộ đội ăn xong bữa sáng lại phải lo bữa trưa, ăn xong bữa trưa lại lo bữa tối. Khi bộ đội ăn xong phải dọn dẹp nhà ăn, nhà bếp sạch sẽ, gọn gàng mới được nghỉ ngơi... Trung tá Nguyễn Văn Chi, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Trung đoàn 174 cho biết: “Mặc dù công việc phục vụ rất vất vả, lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác, càng ngày lễ, tết, chiến sĩ nuôi quân càng vất vả vì chế độ tiền ăn cao, thực đơn nhiều món... nhưng đội ngũ "anh nuôi" của đơn vị luôn yêu nghề, say mê công việc, đem hết tâm huyết và trách nhiệm phục vụ bộ đội. Nhờ làm tốt công tác nuôi dưỡng bộ đội nên tỷ lệ quân số khỏe tham gia công tác luôn duy trì ở mức cao, góp phần để đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN
--------------------------------------------------------------------
Chủ động tiếp thu ý kiến đóng góp của bộ đội
Trước khi nhập ngũ, tôi cũng thường xuyên vào bếp nấu ăn cho gia đình nhưng không biết nấu nhiều món. Sau khi hoàn thành 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, tôi mạnh dạn đăng ký đi đào tạo nấu ăn tại Trường Quân sự Quân khu 9. Thời điểm đó, tôi cũng có chút lo lắng vì chưa có nhiều kinh nghiệm chế biến món ăn. Được đào tạo tại trường, tôi tiếp thu thêm nhiều kiến thức cũng như về kỹ thuật, phương pháp sơ chế, chế biến món ăn cho bộ đội; quá trình học tập, nghiên cứu các nội dung thực hành, nếu nội dung nào chưa hiểu, chưa rõ, tôi trao đổi với giáo viên để nắm chắc hơn, từ đó vận dụng phù hợp với thực tế đơn vị.
Khi về đơn vị nhận nhiệm vụ mới, tôi chủ động học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đồng chí nuôi quân đơn vị bạn để nâng cao trình độ chuyên môn. Sau mỗi bữa ăn và những lần sinh hoạt kinh tế công khai, tôi cùng các anh em nuôi quân luôn chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để từ đó tham mưu với chỉ huy điều chỉnh, xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng, hợp khẩu vị bộ đội. Nhờ được cọ xát thực tế, trực tiếp chế biến đa dạng các món ăn, đến nay, tôi nấu thành thục khoảng 15 món, như: Thịt heo kho tiêu, canh cải ngọt thịt băm, gỏi bắp cải, su su xào tép, canh bí đỏ thịt băm, cá lóc kho tiêu, lươn kho sả ớt... Đối với bộ phận nuôi quân, niềm vui hằng ngày là bộ đội ăn hết khẩu phần, có sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Ý định của tôi khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là mở quán ăn để thử sức với đam mê của mình.
Trung sĩ DANH LỌT (chiến sĩ nuôi quân thuộc Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, Quân khu 9)
---------------------------------------------------------------------------
Nuôi quân - rất cần chu đáo, trách nhiệm
Để bộ đội ăn ngon miệng, ăn hết tiêu chuẩn đòi hỏi chiến sĩ nuôi quân phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; thường xuyên nghiên cứu thay đổi phương pháp chế biến món ăn bảo đảm hợp khẩu vị của người được phục vụ... Vì vậy, ngoài phẩm chất đạo đức tốt, việc lựa chọn chiến sĩ nuôi quân của đơn vị tôi dựa vào các tiêu chí sau: Chu đáo, trách nhiệm, tận tụy trong công việc; tác phong nhanh nhẹn, có ý thức chấp hành kỷ luật, nội quy, quy định của đơn vị, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chiến sĩ nuôi quân cần có sức khỏe tốt vì phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm và không mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh về da.
Trước khi vào quân ngũ, nhiều thanh niên hầu như không phải nấu ăn ở nhà. Vì vậy, để bữa ăn của bộ đội bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn vị tôi chủ động tiến hành bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn cho các chiến sĩ nuôi quân, giúp các "anh nuôi" nắm chắc quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định lượng bữa ăn; cách thức sử dụng, quản lý dụng cụ cấp dưỡng, vật chất hậu cần; kỹ thuật sơ chế, lựa chọn thực phẩm; kỹ năng, kinh nghiệm chế biến món ăn, nhất là việc cải tiến cách nấu phù hợp với điều kiện huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu như diễn tập, hành quân dã ngoại. Làm chiến sĩ nuôi quân thì không chỉ cần giỏi công việc của bộ phận mình mà còn phải biết làm nhiệm vụ của bộ phận khác. Vì thế, phương pháp bồi dưỡng của chúng tôi là trên bồi dưỡng dưới, người đi trước hướng dẫn, kèm cặp người đi sau...
Thượng tá QNCN NGUYỄN THỊ HẠNH (nhân viên quản lý bếp ăn, Ban Hậu cần-Kỹ thuật, Trung đoàn 180, Bộ CHQS tỉnh Nam Định)
---------------------------------------------------------------
Kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ
Là con út, nhà có hai chị gái nên trước khi nhập ngũ, tôi không phải vào bếp nấu ăn. Tuy nhiên, những ngày cuối tuần, thỉnh thoảng tôi cũng chủ động phụ giúp hai chị hoặc mẹ nấu ăn cho cả nhà. Mẹ và chị dạy tôi nấu một số món đơn giản như mì xào, thịt rang, canh chua... Vì không thường xuyên nấu ăn nên tôi khá vụng, có lần nấu canh thiếu chua, lần thì cho nhiều bột canh nên món thịt rang bị mặn...
Vào bộ đội, tôi vinh dự được công tác trên Tàu 015-Trần Hưng Đạo, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Mỗi khi tàu neo đậu tại bến, ban chỉ huy tàu cắt cử chúng tôi luân phiên nấu ăn tại bếp ăn tập trung của Lữ đoàn, nhờ đó tôi có cơ hội để rèn luyện "tay nghề". Khi tàu đi biển thực hiện nhiệm vụ, tôi được cấp trên phân công tham gia nấu ăn và được đồng đội hướng dẫn từ nhặt rau, thái thịt, mổ cá... đến nấu một số món ăn. Trong điều kiện sóng, gió, không gian chật hẹp, tàu rung lắc nên việc nấu ăn vất vả, khó khăn hơn nhiều so với trên đất liền. Điều ấn tượng với tôi là trên tàu, các vật dụng phục vụ công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Các công việc từ chế biến, nấu ăn, chia thức ăn đến rửa soong nồi, quét dọn vệ sinh được các "anh nuôi" thực hiện rất nhanh chóng và khoa học. Nấu ăn trên biển tuy mệt nhưng vui. Tôi nghĩ đây sẽ là kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ. Chắc chắn tôi sẽ kể lại cho ba mẹ và các chị khi về nhà.