ĐBQH đề xuất thời gian soạn bài, chấm bài quy đổi thành tiết dạy, GV nói gì?

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần.

Vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Rất nhiều ý kiến tâm huyết của Đại biểu Quốc hội đóng góp nhằm hoàn thiện dự án luật. Trong phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần đã thu hút sự chú ý của giáo viên trên cả nước.

 Cô Hà Lưu Dung (thứ 3 từ trái sang). Ảnh SQH

Cô Hà Lưu Dung (thứ 3 từ trái sang). Ảnh SQH

Cô Hà Lưu Dung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi rất vui khi dự án Luật nhà giáo có nhiều chính sách mới, đột phá mang tính thực tế rất cao. Nhiều đề xuất rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của giáo viên.

Theo dõi phiên thảo luận qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy ý kiến của đại biểu quốc hội góp ý xây dựng Luật rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm của xã hội với nghề giáo.

Trong đó, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần, thể hiện sự thông cảm, chia sẻ của đại biểu với nghề giáo.

Nếu quy định thời gian soạn bài, chấm bài kiểm tra của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần chắc chắn sẽ giảm tiết dạy thực tế của giáo viên, điều này sẽ sinh ra hai vấn đề: thứ nhất là sẽ thiếu giáo viên; thứ hai sẽ tốn ngân sách chi trả tăng giờ.

Theo tôi, làm nghề gì thì cũng phải chăm lo, đầu tư cho chính công việc của mình, nghề giáo lại càng phải đầu tư tâm huyết hơn. Vì thế, việc soạn bài, soạn đề kiểm tra hay chấm bài kiểm tra của học sinh chính khóa là trách nhiệm của người giáo viên.

Vì vậy, theo tôi, không nên quy định thời gian soạn bài kiểm tra, chấm bài kiểm tra chính khóa của nhà giáo quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần.

Tôi đề nghị, có chế độ chi trả hợp lý cho giáo viên đối với thời gian soạn bài kiểm tra, soạn đề thi, chấm bài kiểm, chấm bài thi ngoài phân phối chương trình. Ví dụ như thi thử lớp 10, khảo sát đầu năm, kiểm tra lại, thi chọn học sinh giỏi … và ôn tập cho học sinh chưa đạt trong hè”.

 Cô giáo Vũ Thanh Loan (thứ 5 từ trái sang). Ảnh NVCC

Cô giáo Vũ Thanh Loan (thứ 5 từ trái sang). Ảnh NVCC

Cùng quan điểm, cô giáo Vũ Thanh Loan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Theo tôi, đối với cấp tiểu học thì chỉ nên quy đổi thời gian chấm bài kiểm tra các kì kiểm tra chất lượng thành giờ dạy mà thôi.

Còn thời gian soạn kế hoạch bài dạy, thời gian chấm bài hằng ngày thì không quy đổi. Vì những công việc đó là nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho công việc giảng dạy của giáo viên, nhiệm vụ của giáo viên”.

 Thầy Nguyễn Hữu Phú. Ảnh NVCC

Thầy Nguyễn Hữu Phú. Ảnh NVCC

Thầy Nguyễn Hữu Phú, công tác tại Trường Tiểu học Vạn Giã 3, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa lại bày tỏ sự đồng tình với đề xuất trên.

“Tôi rất đồng ý với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần.

Vì ngoài việc dạy học ở trên lớp ra giáo viên còn phải tốn thêm rất nhiều thời gian cho việc soạn giáo án và chấm bài.

Hết tiết dạy, giáo viên phải tranh thủ chấm chữa bài cho học sinh, nhiều lúc chấm không xong phải đem về nhà tối ngồi chấm.

Đặc biệt là môn tập làm văn, tốn rất nhiều thời gian, vì phải đọc thật kĩ từng bài một, vừa đọc nội dung xem học sinh tả như thế nào vừa chấm lỗi chính tả. Vì thế, môn này mỗi lần đem về nhà là tôi và đồng nghiệp chấm đến tận đêm khuya.

Không phải chấm bài xong rồi nghỉ mà còn phải lên lịch báo giảng, soạn bài, nhận xét từng học sinh vào sổ (hiện nay nhận xét trên hệ thống phần mềm điện tử) và còn đủ các loại cuộc thi, tập huấn, tích hợp rồi, các bài học stem và tiếp tới đây là dạy học Giáo dục công dân số … nên tốn rất nhiều thời gian, giáo viên không có giờ nghỉ để tái tạo năng lượng”.

Người viết đã khảo sát nhiều đồng nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định thời gian chấm bài của nhà giáo được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần, còn thời gian soạn bài của nhà giáo thì không phù hợp.

Cũng có ý kiến giáo viên cho rằng thời soạn bài, chấm bài là nhiệm vụ của nhà giáo, đã được tính trong định mức của giáo viên phổ thông.

Thực tế, thời gian chấm bài được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần đã thực hiện tại địa phương người viết vào những năm 1992. Nếu tổng số tiết dạy thực tế và tiết quy đổi công tác chấm bài vượt định mức thì được trả tăng giờ, sau đó thì không thực hiện nữa.

Dự thảo Luật nhà giáo đã có bước tiến bộ rõ rệt về quy định chế độ đãi ngộ cho nhà giáo, ví dụ như: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Giáo viên mong muốn rất nhiều nhưng ưu đãi, ưu tiên cho nhà giáo cũng phải tính tới sự hài hòa với các ngành nghề khác.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/dbqh-de-xuat-thoi-gian-soan-bai-cham-bai-cua-gv-quy-doi-thanh-gio-day-tiet-day-post247178.gd

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dbqh-de-xuat-thoi-gian-soan-bai-cham-bai-quy-doi-thanh-tiet-day-gv-noi-gi-post247284.gd
Zalo