Không để thanh tra, kiểm tra trở thành rào cản đối với doanh nghiệp

Bày tỏ đồng tình với quy định của dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân về việc không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần trong năm, đại biểu Quốc hội cho rằng quy định này thể hiện tinh thần đổi mới trong quản lý nhà nước, nhằm giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Quốc hội, chiều 15/5/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)

Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Quốc hội, chiều 15/5/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)

Cần bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

Chiều 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đồng tình với dự thảo nghị quyết nhằm phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) đánh giá cao tinh thần khẩn trương, chất lượng của các cơ quan soạn thảo và thẩm tra.

Đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết đã đi thẳng vào trọng tâm là tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Tuy nhiên, ông đề nghị cần bổ sung nội dung liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, bao gồm hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và thủ tục xét xử tại tòa án.

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh chắc chắn phát sinh tranh chấp. Trong khi dự thảo mới chỉ đề cập đến thủ tục phá sản thì cũng cần thiết kế quy định rõ ràng về đình chỉ, giải thể doanh nghiệp và đặc biệt là quy trình hòa giải, xét xử tranh chấp thương mại theo hướng đơn giản, nhanh gọn, giảm thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tư nhân”, đại biểu nhấn mạnh.

Ông cũng kiến nghị cần có cơ chế để các cơ quan xét xử, trọng tài thương mại xử lý tranh chấp của doanh nghiệp tư nhân theo thủ tục rút gọn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc thù của khu vực kinh tế này, qua đó bảo đảm một môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Chung nhận định, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) khẳng định, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ rằng doanh nghiệp tư nhân vẫn đang đối diện với nhiều rào cản, nhất là thủ tục hành chính rườm rà, khó tiếp cận các nguồn lực và một số chính sách ưu đãi chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Đánh giá cao việc Chính phủ nhanh chóng xây dựng dự thảo nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đại biểu nhấn mạnh đây là bước đi thể hiện quyết tâm cao trong việc tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Đại biểu cho rằng các nhóm nhiệm vụ trong dự thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 68 và bước đầu được doanh nghiệp, dư luận đánh giá tích cực.

Góp ý cụ thể vào dự thảo, ông Tuấn đánh giá cao quy định nguyên tắc xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, nhất là việc phân định rạch ròi trách nhiệm pháp nhân và trách nhiệm cá nhân, giữa vi phạm hành chính, dân sự và hình sự.

Theo ông, đây là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm, bởi nếu không rõ ràng sẽ dễ dẫn tới tình trạng pháp nhân doanh nghiệp bị liên đới trách nhiệm khi cá nhân vi phạm.

Đại biểu cũng đánh giá cao quan điểm của dự thảo khi xác định với các vi phạm dân sự, kinh tế, cần ưu tiên biện pháp khắc phục thiệt hại và phục hồi hoạt động; chỉ khi thật cần thiết mới áp dụng xử lý hình sự. Việc doanh nghiệp chủ động bồi thường, khắc phục hậu quả cũng cần được xem là căn cứ xem xét trách nhiệm trong các thủ tục tố tụng.

“Đối với những vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời, toàn diện trước, và điều này được được coi là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét có khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không. Tôi thấy điều này rất đúng, nếu quy định pháp luật không rõ ràng thì nhiều khi trong thực hiện công tác tố tụng cũng rất vướng mắc và cũng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp”, đại biểu Tuấn cho hay.

Làm rõ căn cứ xác định doanh nghiệp “tuân thủ pháp luật” để miễn kiểm tra

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận. (Ảnh: BÙI GIANG)

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận. (Ảnh: BÙI GIANG)

Đề cập đến quy định về cải thiện môi trường kinh doanh, đại biểu Tuấn bày tỏ đồng tình với tư duy đổi mới mạnh mẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong đó, dự thảo có nêu miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật.

Tuy vậy, đại biểu bày tỏ băn khoăn không rõ dựa vào đâu để xác định doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt để loại trừ khỏi diện phải thanh tra, kiểm tra. Do đó, ông đề xuất phải giải thích rõ ràng trong nghị quyết về vấn đề này.

Cũng bày tỏ sự đồng tình với quy định miễn thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần xác định rõ tiêu chí “chấp hành tốt” quy định pháp luật, tránh tình trạng doanh nghiệp có vẻ bề ngoài tốt, quan hệ rộng rãi nhưng thực chất lại vi phạm pháp luật như trốn thuế, nợ thuế, gian lận thương mại.

“Nhiều doanh nghiệp từng có ‘vỏ bọc hoàn hảo’, quan hệ tốt với các cơ quan, người có trách nhiệm nhưng bên trong lại trốn thuế, nợ thuế, làm ăn phi pháp rồi cuối cùng vướng vòng lao lý. Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà miễn thanh tra thì rất dễ mất cảnh giác”, đại biểu nêu thực tế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Ông Hòa cũng bày tỏ đồng tình với quy định về việc không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần trong năm, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, cho rằng quy định này thể hiện tinh thần đổi mới trong quản lý nhà nước, nhằm giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu, đây là một điểm mới rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo từ nhiều cơ quan khác nhau, gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu nhấn mạnh, chỉ nên tiến hành thanh tra lần thứ 2 khi có dấu hiệu vi phạm “chắc chắn 100%”, đồng thời người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm nếu kết luận là sai. Theo ông Hòa, đây là biện pháp chế tài cần thiết để các cơ quan thanh tra nâng cao trách nhiệm, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.

Góp ý thêm, đại biểu đề xuất bổ sung chế tài đối với các trường hợp thanh tra, kiểm tra kéo dài bất hợp lý, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp. “Trong luật hiện hành chưa có quy định xử lý hành vi kéo dài thanh tra gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Cho nên tôi đề nghị bổ sung thêm quy định này cho phù hợp”, đại biểu thẳng thắn nêu.

Ông Hòa cũng ủng hộ chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, với mục đích giảm gây phiền hà cho doanh nghiệp và giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp về các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-de-thanh-tra-kiem-tra-tro-thanh-rao-can-doi-voi-doanh-nghiep-post879918.html
Zalo