PGS.TS Trần Đình Thiên: Kinh tế tư nhân sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu tham vọng

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, kinh tế tư nhân sẽ giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tham vọng sắp tới với tăng trưởng 8% trong năm nay và duy trì 2 con số trong những năm tiếp theo.

Doanh nghiệp không chỉ cần ưu đãi

Tại tọa đàm về thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Trường Đại học Tài chính Marketing tổ chức sáng 15/5, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nói câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân với Nghị quyết 68 tạo ra nguồn cảm hứng mạnh, tương tự cách đây 40 năm khi Việt Nam thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần.

Tuy nhiên, ông cho rằng lần này cấp độ cao hơn nhiều bởi trước đây Nhà nước thừa nhận kinh tế tư nhân như lực lượng cần có, nhưng sau 40 năm Bộ Chính trị đã khẳng định đây là động lực quan trọng nhất để phát triển.

“Có thể nói đó là sự giải phóng “vòng kim cô” về tư tưởng”, PGS Thiên đánh giá.

 PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: VGP.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: VGP.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra, chỉ có kinh tế tư nhân mới giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tham vọng sắp tới với tăng trưởng 8% trong năm nay và duy trì 2 con số trong những năm tiếp theo. Điều này thể hiện ở các quốc gia phát triển của Châu Á khi họ luôn gắn sự phát triển với kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, để đạt được tham vọng này, theo PGS.TS Trần Đình Thiên trong giai đoạn hiện nay Việt Nam cần nhìn nhận thực tế, kinh tế tư nhân đang chậm phát triển. Lý do theo ông có nhiều nhưng quan trọng và cơ bản nhất là ách tắc thể chế. Vấn đề này được ví như sợi dây trói buộc kinh tế tư nhân lại.

Do đó, PGS Thiên nhận định cần có chính sách nhất quán để phát triển kinh tế tư nhân không chỉ ở việc tạo nhiều ưu đãi cho họ mà quan trọng hơn là bảo đảm cho khu vực này môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền, Khoa quản trị, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định, việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm bớt thủ tục, gây phiền hà, mất thời gian cho doanh nghiệp. Việc này sẽ giảm bớt áp lực về sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động làm ăn của khối tư nhân.

Chỉ khi nào doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm mới tiến hành thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh. TS Điền cho rằng, cần nâng cao vai trò giám sát xã hội trong hoạt động doanh nghiệp.

“Người tiêu dùng có thể phản ánh doanh nghiệp bán hàng giả lên cơ quan quản lý để thanh kiểm tra. Người phản ánh cần được lắng nghe, được bảo vệ nếu họ làm đúng. Khi có sự giám sát từ xã hội cơ quan nhà nước sẽ có cơ chế quản lý hiệu quả hơn”, TS Điền nói.

Chính sách hỗ trợ cần thông thoáng

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nhà nước cần hỗ trợ để kinh tế tư nhân đáp ứng được vai trò gắn với sứ mệnh thời đại phát triển công nghệ cao, cạnh tranh toàn cầu vốn rất khốc liệt hiện nay. Cơ chế hỗ trợ theo ông cần được “cởi trói” về mặt thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn.

Cụ thể với đất đai, Nghị quyết 68 dành đất cho kinh tế tư nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… với thủ tục, điều kiện cụ thể, rõ ràng theo hướng tạo thuận lợi nhất.

Về nguồn vốn, nhà nước có thể hỗ trợ theo nhiều phương thức như lập quỹ bảo lãnh cho kinh tế tư nhân, hỗ trợ lãi suất, nới các điều kiện vay.

“Phải tháo bỏ cơ chế xin cho để kinh tế tư nhân có thể tiếp cận với các nguồn lực phát triển bình đẳng sòng phẳng”, PGS Thiên nói.

 Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm về kinh tế tư nhân. Ảnh: Hà An.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm về kinh tế tư nhân. Ảnh: Hà An.

Theo ông Ngô Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng (TP.HCM), để hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cần đứng ở vai trò bệ đỡ. Ông đánh giá, nhiều doanh nghiệp SME, hộ kinh doanh khả năng tốt, phù hợp tiếp cận gói vay nhưng theo quy định của các tổ chức tín dụng, thông tư ngân hàng nhà nước luôn có yêu cầu đảm bảo an toàn.

Do đó, Chính phủ phải lập ra quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp để ngân hàng cho vay với các điều kiện cụ thể, rõ ràng để tạo niềm tin và sự yên tâm cho các bên. Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, hoạt động ngân hàng cần nâng cao chất lượng quản lý hành chính với thời gian giải quyết thủ tục nhanh gọn.

Hà An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/pgsts-tran-dinh-thien-kinh-te-tu-nhan-se-giup-viet-nam-dat-muc-tieu-tham-vong-post185580.html
Zalo