Tham vấn chính sách - tiếp cận chính sách 'từ sớm, từ xa'
Theo chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào sáng 19.2 tới. Lần đầu tiên 'tham vấn chính sách' được luật hóa trong dự thảo Luật này. Điều này sẽ giúp các đối tượng liên quan tiếp cận từ sớm, từ xa đối với các chính sách do Chính phủ quyết định.
Cơ hội để lắng nghe, hoàn thiện chính sách
Tham vấn chính sách có vai trò quan trọng, nếu làm tốt sẽ thu hút sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong quá trình xây dựng chính sách. Qua đó, góp phần xây dựng chính sách một cách minh bạch, khách quan, tránh xảy ra lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội trường
Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị phải “đổi vai”, trong dự thảo Luật quy định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ trì tổ chức hội nghị tham vấn. Chúng tôi với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” sẽ cùng với Ủy ban Pháp luật dự kiến tiếp thu điều này với “vai” là cơ quan đề xuất chính sách sẽ chủ trì việc tham vấn chính sách đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan đề xuất chính sách mời các đối tượng có liên quan đến để bảo đảm hội nghị tham vấn này thực chất và cũng bỏ quy định trong thời hạn 20 ngày Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội phải gửi văn bản tham vấn tới cơ quan đề xuất tham vấn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã bổ sung quy định về tham vấn chính sách. Theo đó, tham vấn chính sách là việc trao đổi trực tiếp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách với cơ quan được tham vấn nhằm lựa chọn giải pháp, hoàn thiện chính sách của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Dự thảo Luật cũng quy định Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ được cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo tham vấn chính sách thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách…
Đây là quy định mới của dự thảo Luật nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia. Các ý kiến cho rằng, quy định mới này giúp tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan thẩm tra ngay từ rất sớm ở giai đoạn xây dựng chính sách.
Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định này sẽ giúp cơ quan xây dựng chính sách lắng nghe các ý kiến có tính phản biện cao về chuyên môn, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách; cơ quan phê duyệt chính sách có thêm cơ sở quan trọng để quyết định thông qua chính sách; đồng thời, tăng cường được tính chủ động, tích cực của các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác thẩm tra.
“Chính sách sau khi được tham vấn sẽ được tiếp thu, hoàn chỉnh, đến khi chuyển hồ sơ để thẩm tra thì về cơ bản các vấn đề lớn đã được các cơ quan phối hợp xử lý tại các giai đoạn trước đó nên sẽ góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn” - Ủy ban Pháp luật nhận định.
Bày tỏ tán thành với quy định mới này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc bổ sung quy định về tham vấn chính sách các cơ quan, đối tượng chịu sự tác động, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án luật là rất cần thiết. Sự tham gia từ sớm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo ngay từ khâu xây dựng hồ sơ dự thảo của Chính phủ, thể hiện sự đồng hành vào cuộc và trách nhiệm của Quốc hội từ sớm trong quá trình xây dựng luật.
“Đặc biệt, việc tham vấn ý kiến các đối tượng tác động là vô cùng quan trọng, đồng thời cũng vừa là hình thức tuyên truyền cho Nhân dân và cho các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về các quan điểm, chính sách mới sắp được ban hành”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Cơ quan lập đề xuất chính sách chủ trì tổ chức tham vấn
Dự thảo Luật cũng quy định, cơ quan lập đề xuất chính sách tham vấn Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ đối với chính sách liên quan trực tiếp thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách trong quá trình xây dựng chính sách. Trên cơ sở đề xuất của cơ quan lập đề xuất chính sách và theo phạm vi, lĩnh vực phụ trách, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan khác của Quốc hội có liên quan tổ chức hội nghị tham vấn chính sách. Văn bản về kết quả tham vấn chính sách được gửi đến cơ quan lập đề xuất chính sách chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Tán thành với việc cần tổ chức hội nghị tham vấn chính sách, song Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan lập đề xuất chính sách chủ trì tổ chức hội nghị này; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực có chính sách được tham vấn có trách nhiệm xây dựng văn bản về kết quả tham vấn chính sách gửi cơ quan lập đề xuất chính sách.
Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm mời các cơ quan, tổ chức có liên quan, đại diện đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, các hiệp hội ngành, nghề, các chuyên gia, nhà khoa học, những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến chính sách tham dự hội nghị và phát biểu ý kiến nhằm bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tham vấn, góp phần nâng cao chất lượng và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Vân Chi (Nghệ An) cho rằng, cơ quan soạn thảo là cơ quan chủ trì hội nghị tham vấn về chính sách. Hội nghị đó có thể mời các đối tượng có liên quan, mời các nhà chuyên môn, các cơ quan, chứ không thể là cơ quan của Quốc hội đứng ra chủ trì hội nghị tham vấn chính sách, sau đó lại gửi ý kiến đó cho cơ quan soạn thảo.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) cho rằng, thực tiễn hiện nay mặc dù chưa có quy trình tham vấn thì các Ủy ban của Quốc hội vẫn theo dõi, bám sát việc xây dựng chính sách ngay từ đầu thông qua việc tổ chức các hội thảo lấy ý kiến, thông qua việc cử người vào tổ biên tập, vào ban soạn thảo. Theo đánh giá tại Tờ trình của Chính phủ thì việc phối hợp giữa hai cơ quan là rất tốt. Việc quy định tham vấn là cần thiết, nhưng đó là tham vấn với các chuyên gia, với các nhà khoa học, với các cá nhân đại biểu Quốc hội… nhưng đó là tính chất cá nhân, còn hình thành nên một quy trình để áp dụng cho một Ủy ban thì chưa hợp lý.
“Tham vấn là cần thiết, phối hợp là cần thiết, nhưng phải đúng đối tượng, đúng bản chất. Việc áp dụng đúng bản chất sẽ đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và đặc biệt là phù hợp với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo yêu cầu đúng vai, thuộc bài theo đúng chức năng, nhiệm vụ”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.