Đề xuất bỏ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ đề xuất chú trọng tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Theo báo cáo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ đã có những đề xuất mới về vấn đề xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Cụ thể, Trung Quốc áp dụng song song hệ thống chức vụ và cấp bậc công chức, quy định tỷ lệ cụ thể cho từng ngạch và vị trí trong cơ quan; việc thăng hạng, bổ nhiệm, hạ ngạch hay giáng chức đều phải qua quy trình chặt chẽ, dựa trên đánh giá năng lực, đạo đức, kinh nghiệm.

Tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh minh họa
Nhật Bản thăng chức công chức bằng thi tuyển cạnh tranh hoặc xét thành tích; bổ nhiệm tạm thời có thể được thực hiện trong trường hợp đặc biệt. Thái Lan phân loại vị trí việc làm rõ ràng, thăng tiến dựa trên thành tích, đánh giá định kỳ, kiến thức chuyên môn và thâm niên.
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, chỉ có Trung Quốc, Pháp và New Zealand thực hiện thăng hạng viên chức, các quốc gia thực hiện việc xét thăng hạng thể hiện con đường phát triển chức nghiệp của viên chức. New Zealand chỉ áp dụng thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giảng viên lên giảng viên chính, phó giáo sư và giáo sư, phân cấp cho các cơ sở giáo dục tự thành lập hội đồng xét duyệt trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức và tỷ lệ ngạch viên chức. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có cách làm khác nhau.
Đối với Việt Nam, còn tình trạng các viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện các loại chứng chỉ theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp, việc thăng hạng chức chủ yếu giải quyết vấn đề tăng lương, chưa phản ánh được bản chất của việc thăng hạng.
Ví dụ, các trường phổ thông không có sự khác biệt về chất lượng giảng dạy của giáo viên hạng III và hạng II. Trong lĩnh vực y tế, bác sĩ hạng III và hạng II cũng không có sự khác biệt về năng lực làm việc. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.