Dạy 2 buổi/ngày giảm áp lực cho thầy và trò, tránh học nhồi nhét một buổi

Theo lãnh đạo một số Phòng GD&ĐT, việc dạy học 2 buổi/ ngày là một hướng đi tích cực, giúp nâng cao chất lượng giáo dục nếu được triển khai đúng cách.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ, đến thời điểm này, Bộ mới đang khảo sát nghiên cứu, chưa có tuyên bố trung học cơ sở, trung học phổ thông bắt buộc phải học 2 buổi/ ngày.

Cũng theo Thứ trưởng, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn tổ chức 2 buổi/ngày cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông theo hướng nơi nào có điều kiện thì khuyến khích.

Mục tiêu dạy 2 buổi/ngày trước hết là để bảo đảm tổ chức chương trình giáo dục phổ thông. Thứ hai, giảm áp lực cho học sinh, tổ chức quy củ bài bản việc dạy học cũng như các hoạt động giáo dục khác, hình thành cho học sinh phẩm chất, năng lực.

Dạy 2 buổi/ ngày giúp học sinh giảm tải áp lực và tăng cường hoạt động trải nghiệm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Ngọc Kính - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, hiện một số trường trung học cơ sở trên địa bàn quận đã và đang triển khai tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh, đặc biệt ở khối lớp 9 là khóa đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chuẩn bị thi vào các trường trung học phổ thông.

 Tiến sĩ Bùi Ngọc Kính - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). (Ảnh: Cổng thông tin điện tử quận Nam Từ Liêm)

Tiến sĩ Bùi Ngọc Kính - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). (Ảnh: Cổng thông tin điện tử quận Nam Từ Liêm)

Theo thầy Kính, hình thức tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, đúng theo định hướng “nơi nào đủ điều kiện thì khuyến khích tổ chức” như chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, một số trường vẫn còn tâm lý e ngại không dám tổ chức vì chưa có những hướng dẫn cụ thể và sợ vi phạm thông tư 29 về dạy thêm học thêm.

“Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm tiếp tục triển khai theo hướng khuyến khích, không ép buộc, nhưng ủng hộ mạnh mẽ các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và chương trình. Chúng tôi xác định đây là một giải pháp quan trọng để tổ chức hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng cường giáo dục toàn diện. Thực tiễn triển khai học 2 buổi/ ngày trong thời gian qua tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.

Trước hết, mô hình dạy 2 buổi/ ngày giúp học sinh giảm tải áp lực học tập, tránh tình trạng học nhồi nhét trong một buổi. Mặt khác, học sinh sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, thể chất, nghệ thuật, STEM…, từ đó góp phần tăng giáo dục toàn diện.

Bên cạnh đó, các em cũng được tham gia các hoạt động ở trường, đồng thời phụ huynh yên tâm gửi gắm con em cho nhà trường, hạn chế những rủi ro về quản lý học sinh và giảm chi phí đưa đón, chi phí học thêm tại các trung tâm ngoài nhà trường.

Về phía giáo viên, các thầy cô có điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân hóa việc học, nhất là với học sinh còn yếu hoặc cần bồi dưỡng nâng cao. Đây cũng là tiền đề giúp các trường thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông vốn yêu cầu cao về phân hóa, linh hoạt và tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài môn học”, thầy Kính nêu quan điểm.

Cùng bàn vấn đề này, thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hiện có 12 trên tổng số 14 trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.

Theo thầy Sơn, mô hình tổ chức học 2 buổi/ ngày trong các trường phổ thông hiện nay nhìn chung không phải là một sự thay đổi lớn về nội dung chương trình hay số tiết học, mà chủ yếu là điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học. Việc tổ chức như vậy có thể giúp giảm áp lực thời gian cho cả học sinh và giáo viên, tạo điều kiện cho học sinh có thêm thời gian tiếp thu bài học một cách thoải mái hơn, đồng thời cũng tăng cường sự hiện diện của học sinh ở trường, giúp nhà trường quản lý tốt hơn.

 Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày là một chủ trương đúng đắn trong việc hướng tới việc học tập nhẹ nhàng hơn, có kiểm soát, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. (Ảnh minh họa: Phương Linh)

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày là một chủ trương đúng đắn trong việc hướng tới việc học tập nhẹ nhàng hơn, có kiểm soát, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. (Ảnh minh họa: Phương Linh)

Tuy nhiên, việc học 2 buổi/ ngày cũng gây một số khó khăn, đặc biệt là ở những trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Hiện trên địa bàn có 2 trường chưa thể tổ chức học 2 buổi/ ngày vì thiếu phòng học. Việc thiếu phòng học là một rào cản lớn khiến mô hình này không thể triển khai đồng đều ở tất cả các trường. Trong khi đó, 12 trường còn lại đã có đủ điều kiện cơ sở vật chất nên có thể áp dụng hình thức học 2 buổi/ ngày một cách tương đối thuận lợi.

Ngoài ra, các trường học cần mở rộng nội dung các buổi học thứ hai trong ngày, chẳng hạn có thể bố trí các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, giáo dục thể chất hoặc hỗ trợ học sinh ôn luyện theo năng lực. Điều này không chỉ làm phong phú nội dung học tập, mà còn góp phần bồi dưỡng toàn diện cho học sinh, đúng với định hướng phát triển phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang theo đuổi.

Từ những thực tế trên, có thể thấy mô hình học 2 buổi/ngày là một chủ trương đúng đắn trong việc hướng tới việc học tập nhẹ nhàng hơn, có kiểm soát, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả thực sự, Nhà nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hỗ trợ thiết thực từ cả hệ thống từ cơ sở vật chất, chế độ cho giáo viên đến nội dung học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Khi những yếu tố đó được đảm bảo, việc học 2 buổi/ ngày sẽ không chỉ đơn thuần là giãn thời gian học, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện và bền vững”, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ.

Vẫn gặp khó vì thiếu giáo viên và cơ sở vật chất chưa đồng bộ

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tổ chức tốt dạy học 2 buổi/ ngày, cần bảo đảm đồng thời 3 điều kiện: Đủ cơ sở vật chất, đủ đội ngũ giáo viên và có chương trình phù hợp.

Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm bày tỏ, trong 3 yếu tố trên thì thiếu giáo viên là thách thức lớn nhất tại một số trường, đặc biệt ở các môn chuyên biệt như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng anh…

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại một số trường còn hạn chế về số phòng học, phòng chức năng, khu thể chất hoặc thư viện mở. Tuy nhiên, các trường đã và đang chủ động khắc phục bằng cách điều tiết lịch học, tận dụng không gian đa năng và linh hoạt tổ chức lớp học.

“Hiện nay, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, một số trường trung học cơ sở đang gặp phải một số khó khăn như: thiếu giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học mới, cơ sở vật chất giữa các trường còn chưa đồng bộ và phụ huynh vẫn còn băn khoăn về thời lượng học buổi chiều. Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể cũng khiến một số trường lúng túng trong triển khai, dễ gây hiểu nhầm giữa dạy học 2 buổi/ ngày với dạy thêm, học thêm.

Trước thực tế đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho giáo viên cốt cán, đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ; tham mưu với Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm đầu tư cải tạo trường lớp, mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cấp cơ sở vật chất; đồng thời phối hợp với các nhà trường tăng cường công tác truyền thông, giải thích rõ cho phụ huynh về lợi ích của việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, đảm bảo nội dung giảng dạy vừa phong phú, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở từng độ tuổi”, thầy Kính thông tin.

Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày ở các trường trung học cơ sở .

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cần tiếp tục ban hành các hướng dẫn cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt trong việc triển khai các môn học tự chọn và hoạt động trải nghiệm để các trường có cơ sở thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Thứ hai, đề nghị Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm xem xét bổ sung biên chế giáo viên, nhất là ở các môn đặc thù còn thiếu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, kiến nghị cho phép các trường được chủ động xây dựng đề án triển khai riêng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và nguyên tắc công bằng giữa các học sinh.

Đồng quan điểm trên, thầy Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) nhận định, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày là một hướng đi tích cực, giúp nâng cao chất lượng giáo dục nếu được triển khai đúng cách. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cần đáp ứng đủ 3 điều kiện: cơ sở vật chất đảm bảo, đủ giáo viên và có chương trình học phù hợp. Ngoài ra, các trường cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, học qua chơi, nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh.

 Thầy Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Tu Mơ Rông)

Thầy Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Tu Mơ Rông)

Thầy Hoàng thông tin, nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn đã triển khai mô hình dạy 2 buổi/ ngày. Một phần là do nhu cầu thực tiễn, phần khác là nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh và chính quyền địa phương. Trong đó, buổi học chiều được xây dựng linh hoạt, phân loại học sinh theo nhu cầu như bồi dưỡng hay phụ đạo để thiết kế nội dung phù hợp. Nếu học cả tuần hai buổi mà không có chương trình phù hợp rất dễ gây mệt mỏi cho học sinh.

“Để tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, cơ sở vật chất của các trường phải đảm bảo cho nhu cầu học tập, nghỉ ngơi của học sinh như trang bị đủ phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi, nhà ăn, khu vệ sinh đạt chuẩn và các điều kiện thiết yếu khác.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên phải đủ về số lượng và chất lượng. Nếu thiếu giáo viên, các trường sẽ không thể phân bổ hợp lý tiết dạy trong ngày, dẫn đến quá tải cho một số môn học hoặc giáo viên phải dạy nhiều tiết liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Mặt khác, nội dung chương trình phải được điều chỉnh phù hợp, tránh tình trạng ‘học ngày, học đêm’ mà không mang lại giá trị thiết thực cho học sinh”, thầy Hoàng nêu quan điểm.

Thầy Hoàng bày tỏ, việc dạy 2 buổi/ ngày nếu được tổ chức tốt thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, học sinh sẽ có thêm thời gian để rèn luyện kỹ năng, được phụ đạo hoặc bồi dưỡng tùy theo năng lực cá nhân. Những em học yếu có thể được hỗ trợ thêm để theo kịp chương trình, trong khi những em học tốt sẽ được bồi dưỡng để phát triển khả năng. Đây là một hướng đi đúng đắn để thực hiện giáo dục phân hóa và cá nhân hóa theo tinh thần chương trình mới.

Tuy nhiên, không thể xem nhẹ yếu tố tâm lý, sức khỏe và nhu cầu vui chơi của học sinh. Nếu học sinh phải học liên tục cả tuần, sáng và chiều đều kín lịch mà không có khoảng thời gian để thư giãn, giải trí thì sẽ rất dễ dẫn đến mệt mỏi, chán nản và giảm hiệu quả học tập. Vì vậy, ngoài giờ học chính khóa, các trường cần lồng ghép thêm các hoạt động trải nghiệm, hoạt động vui chơi, học qua trò chơi để giảm áp lực và tạo hứng thú cho học sinh. Điều này đặc biệt quan trọng ở những khung giờ cuối buổi chiều, thời điểm học sinh đã mệt mỏi và khó tiếp thu nếu chương trình quá nặng nề.

“Ở địa bàn huyện hiện nay tuy phần lớn các trường đã có cơ bản các phòng học và phòng chức năng, nhưng vẫn còn một số nơi thiếu đồ dùng học tập và thiết bị dạy học phù hợp với chương trình mới. Một số trường vẫn đang tiếp tục trong quá trình đầu tư, nâng cấp nên việc triển khai dạy 2 buổi/ ngày ở một số nơi vẫn còn gặp khó khăn.

Một trong những thách thức đối với các trường ở vùng khó khăn là tình trạng thiếu giáo viên. Do điều kiện sinh hoạt và công tác còn nhiều vất vả, phần lớn giáo viên sau khi trúng tuyển thường có xu hướng muốn chuyển về gần gia đình khi có cơ hội, khiến cho địa phương thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên có kinh nghiệm. Hằng năm, các trường đều thiếu giáo viên phải tìm cách xoay xở để đảm bảo không bị gián đoạn dạy học.

Nhìn chung, tôi cho rằng dạy học 2 buổi/ ngày là một hướng đi phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, nhưng cần được thực hiện một cách linh hoạt theo tình hình thực tế địa phương, có lộ trình rõ ràng và điều kiện bảo đảm cụ thể. Đồng thời, các cơ quan quản lý và trường học cũng cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thiết kế chương trình học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh. Chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó thì dạy học 2 buổi/ ngày mới thật sự phát huy hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) bày tỏ.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/day-2-buoingay-giam-ap-luc-cho-thay-va-tro-tranh-hoc-nhoi-nhet-mot-buoi-post250535.gd
Zalo