Thu hút sinh viên giỏi theo nghiệp thầy cô

Nghị định số 60 được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116, đồng thời tiếp tục kế thừa các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi, tâm huyết vào học và làm việc, cống hiến cho ngành Giáo dục.

Giáo sinh trong tiết dạy đầu tiên. (Ảnh trong bài: Trường ĐHSP Huế)

Giáo sinh trong tiết dạy đầu tiên. (Ảnh trong bài: Trường ĐHSP Huế)

Làm sao để sinh viên được “đặt hàng” đúng nhu cầu?

Theo Bộ GD&ĐT, sau ba năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định như: số lượng thí sinh và phụ huynh học sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên; tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh đặt trong tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác; nâng cao chất lượng giáo viên.

Nghị định 116 khi được ban hành có nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, thu hút được nhiều học sinh giỏi đăng ký học tập và cống hiến trong ngành sư phạm. Cụ thể, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Gắn với trách nhiệm của sinh viên sau khi tốt nghiệp phải làm việc một thời gian nhất định trong ngành Giáo dục nếu không sẽ phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ. Giao trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm. Những sinh viên được tuyển theo chỉ tiêu được giao nhưng không nằm trong diện đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ theo diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội”.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 116 đã phát sinh một số vướng mắc như: các địa phương cam kết đặt hàng nhưng không thực hiện, dẫn đến chậm chi trả kinh phí; quy định đấu thầu đào tạo giáo viên chưa có hướng dẫn cụ thể; một số địa phương khó khăn, không đủ kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đang theo học; việc đào tạo sinh viên sư phạm và việc tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường vào ngành Giáo dục chưa đồng bộ; việc theo dõi bồi hoàn kinh phí chưa có hướng dẫn chi tiết...

Làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ các vướng mắc

Khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai khả thi, hiệu quả.

Trước hết, Chính phủ quy định Nhà nước sẽ hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán ngân sách, thay vì để địa phương tự cân đối như trước đây.

Đồng thời, Nghị định số 60 bổ sung làm rõ trách nhiệm các bên liên quan như Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh, cơ sở đào tạo giáo viên, người học... trong việc thực hiện chính sách; đặc biệt là việc làm rõ trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Nghị định 60 cũng hướng dẫn rõ hơn về thủ tục nộp tiền bồi hoàn kinh phí đối với các trường hợp phải bồi hoàn theo quy định; trách nhiệm của cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng sinh viên sư phạm trong việc phối hợp với các cơ quan, cá nhân trong việc chi trả kinh phí hỗ trợ và thu hồi kinh phí bồi hoàn; trách nhiệm người học trong việc thực hiện cam kết bồi hoàn kinh phí.

Nghị định số 60 bổ sung quy định: Kinh phí thực hiện chính sách tại Nghị định này được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm theo phân cấp quản lý hiện hành. Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện chính sách theo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền ban hành áp dụng cho từng thời kỳ.

Đồng thời, Nghị định số 60 cũng bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp, theo đó “Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ năm học 2021 - 2022 đến hết năm học 2024 - 2025 theo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền ban hành áp dụng cho từng thời kỳ”. Quy định này khắc phục tình trạng một số địa phương không cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, đồng thời bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019.

Sinh viên Trường ĐHSP Huế.

Sinh viên Trường ĐHSP Huế.

Để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 116, bảo đảm hướng dẫn đúng quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019 và thực thi chính sách hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm, Nghị định số 60 quy định: Thực hiện phương thức hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đào tạo theo hình thức giao dự toán (phương thức đào tạo theo nhu cầu xã hội tại Nghị định 116). Đồng thời Nghị định số 60 vẫn quy định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm để các địa phương có điều kiện thực hiện; bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học để phù hợp quy định của Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/20219 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và quá trình triển khai thực tế.

Đặc biệt, Nghị định số 60 sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện thu hồi đầy đủ kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn tiền hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo quy định. Đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên đăng ký thường trú theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116 và Nghị định 60.

Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả kinh phí theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116 và Nghị định này. Trong thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí, sinh viên nộp tiền bồi hoàn cho cơ sở đào tạo hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ).

Cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ nộp số tiền thu hồi của sinh viên sư phạm vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách.

Cùng với những giải pháp trên, một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, bảo đảm nguồn nhân lực ngành sư phạm được sử dụng một cách hợp lý và bền vững thì công tác tuyển dụng giáo viên cần có một lộ trình rõ ràng, minh bạch, tương tự như mô hình phân bổ nhân sự trong một số ngành đặc thù. Nếu quá trình đào tạo và tuyển dụng được thống nhất ngay từ đầu, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ có định hướng nghề nghiệp cụ thể, tránh tình trạng nơi thì thừa, nơi lại thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay. PGS. TS Trần Trung Tính nhấn mạnh: Cần có sự phân cấp rõ ràng về trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan tại địa phương. Khi cơ chế phân cấp được thực hiện một cách hợp lý, nó không chỉ giúp giảm tải áp lực hành chính cho các trường mà còn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, bảo đảm nguồn nhân lực này được sử dụng một cách hợp lý và bền vững…

Theo PGS.TS Bùi Đức Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc đặt hàng đào tạo giáo viên giữa các địa phương chưa thực sự hiệu quả, chưa đúng với tinh thần của Nghị định số 116. Đồng thời, quá trình cấp kinh phí cũng gặp nhiều trở ngại, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên. Hiện nay, nhu cầu đào tạo và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương ngày càng tăng, thậm chí nhiều nơi còn rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành. Đồng thời, cơ chế tuyển dụng giáo viên vẫn chủ yếu dựa trên chỉ tiêu biên chế và thi tuyển công chức, dẫn đến những rào cản trong việc tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 116, nếu không làm việc trong ngành Giáo dục đủ thời gian cam kết, sinh viên sẽ phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đào tạo. Điều này vô hình trung tạo áp lực không nhỏ đối với người học.

Cùng đó, theo PGS.TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, việc xác định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát và thực hiện chính sách sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc dự báo nhu cầu giáo viên, từ đó có kế hoạch đào tạo và bố trí công việc phù hợp sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Phương Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-hut-sinh-vien-gioi-theo-nghiep-thay-co-post545158.html
Zalo