Làm sao để lựa chọn nghề phù hợp thời AI?

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, vậy trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế ai trong tương lai; làm sao để biết được ngành nghề phù hợp… là những câu hỏi được các bạn trẻ quan tâm đặt tới các chuyên gia trong ngày hội về hướng nghiệp – tuyển sinh.

Ngày 12/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội (Thành Đoàn Hà Nội) tổ chức Ngày hội “Hướng nghiệp – Tuyển sinh” dành cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Thanh Trì.

 Ngày hội Hướng nghiệp - Tuyển sinh thu hút đông đảo học sinh đến tham gia. Ảnh: Linh Hiệp

Ngày hội Hướng nghiệp - Tuyển sinh thu hút đông đảo học sinh đến tham gia. Ảnh: Linh Hiệp

Ngày hội có sự tham gia của nhiều nhà trường, doanh nghiệp giáo dục, du học như: ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội.

Học sinh tham gia ngày hội đã được các chuyên gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học, học viện; tư vấn tâm lý trước mùa thi… Đồng thời, hiểu thêm về phương pháp chọn nghề, chọn trường theo năng lực bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình, nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều bạn học sinh còn được trải nghiệm với các công cụ trắc nghiệm để khám phá những nghề nghiệp phù hợp với tính cách của bản thân như trắc nghiệm nghề nghiệp Holland, hướng nghiệp Ikigai.

 Đông đảo học sinh được tiếp cận, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến việc lựa chọn ngành nghề... Ảnh: Linh Hiệp

Đông đảo học sinh được tiếp cận, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến việc lựa chọn ngành nghề... Ảnh: Linh Hiệp

Trao đổi tại ngày hội về băn khoăn của một học sinh THPT là “AI sẽ thay thế ai trong tương lai”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu hướng phát triển hiện nay và góp phần hỗ trợ con người giải quyết được rất nhiều công việc. Thực tế, máy móc kết hợp với AI có khả năng thay thế con người trong rất nhiều công việc.

"Con người chỉ làm được những công việc giản đơn, lặp đi lặp lại thì chắc chắn sẽ bị máy móc thay thế. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những công việc cần sự năng động, sáng tạo, cần sự thấu hiểu về cảm xúc thì máy móc vẫn khó có thể làm thay chúng ta được", PGS Hà nói.

PGS Hà ví dụ việc giảng dạy. Đã có những ý kiến cho rằng, AI có thể thay thế thầy cô giáo, nhưng thực tế đã chứng minh, máy móc có thể truyền tải thông tin, nhưng thầy cô còn là người truyền cảm hứng, tạo động lực cho các em học sinh.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà lắng nghe, giải đáp băn khoăn của học sinh tại ngày hội. Ảnh: Linh Hiệp

PGS.TS Phạm Mạnh Hà lắng nghe, giải đáp băn khoăn của học sinh tại ngày hội. Ảnh: Linh Hiệp

Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành ngôn ngữ Anh, Ths. Lê Anh Tuấn - chuyên gia Hướng nghiệp và Khởi nghiệp Thành Đoàn Hà Nội nhấn mạnh, giỏi ngoại ngữ là một năng lực nghề nghiệp và người giỏi ngoại ngữ có thể sử dụng năng lực này để làm phiên dịch, biên dịch, biên tập viên, giáo viên, viết sách…

Đặc biệt, năng lực ngôn ngữ giúp mỗi người có thể mở rộng cơ hội giao tiếp, học tập trong môi trường toàn cầu để từ đó có thể học tập và tích lũy thêm kiến thức từ các lĩnh vực khác, có thể dễ dàng tham gia vào môi trường làm việc toàn cầu.

Chương trình được tổ chức thành chuỗi hoạt động diễn ra tại Trường THCS Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ứng Hòa (huyện Ứng Hòa).

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-sao-de-lua-chon-nghe-phu-hop-thoi-ai-post1733170.tpo
Zalo