Đề thi môn Toán nhiều kiến thức 'lạ', khác xa đề tham khảo

Chiều 7.7, thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tiếp tục với môn thi Toán; hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi năm nay có nhiều mới mẻ và tính phân hóa cao. Tuy nhiên, đề làm khó thí sinh vì khác xa đề tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố.

Ảnh minh họa/Internet

Ảnh minh họa/Internet

Đề thi có tính phân hóa cao

Cụ thể với mã Đề thi 112, ThS. Phạm Quang Khải - giảng viên Trường Đại học Hàng Hải nhận định:

Đề có mức độ phân hóa rất rõ ràng: Các câu hỏi từ câu 1 đến câu 35 ở mức độ nhận biết và thông hiểu nên phần lớn học sinh các vùng miền trên cả nước đều có thể làm được và đáp ứng được mục tiêu Tốt nghiệp.

Từ câu số 36 đến câu số 38, mức độ được nâng lên dù không quá khó nhưng sẽ nhiều học sinh mất điểm từ những câu hỏi này.

Từ câu số 39 đến câu số 50 thì mức độ khó được tăng lên rõ rệt. Đây là những câu hỏi vận dụng, vận dụng cao với mức độ khó đến rất khó (như câu 46, 48, 50) và phân hóa rõ ràng khả năng của học sinh.

ThS. Phạm Quang Khải

ThS. Phạm Quang Khải

Theo thầy Khải, đề thi đáp ứng được mục tiêu kép: xét Tốt nghiệp và xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

So với năm 2021, đề thi năm nay khó hơn và khác nhiều với đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó.

Với một năm học trải qua 2, 3 đợt học Online vì Covid -19, đề thi này đảm bảo xét tốt nghiệp nhưng điểm trên 9 sẽ không nhiều.

Dự đoán, phổ điểm tập trung nhiều ở mức 7 - 8 điểm, số lượng điểm 10 sẽ rất ít vì học sinh sẽ dễ mất điểm ngay từ câu số 39, 40.

Hiện, có rất nhiều trường đại học đã mở rộng phương án tuyển sinh như sử dụng xét tuyển học bạ, sử dụng kết quả của bài thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy, xét tuyển kết hợp dựa vào chứng chỉ IELTS... thì với việc ra đề thi chất lượng, có sự phân hóa rõ ràng của môn Toán năm nay nói riêng và các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã khẳng định được vai trò, mục tiêu kép của kì thi: xét tốt nghiệp và sử dụng xét tuyển (chiếm phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh) vào các trường đại học trên cả nước.

ThS. Phạm Quang Khải kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giữ được mức độ phân hóa của đề thi như năm nay và nên cho Đề tham khảo sát hơn với Đề thi chính thức hơn. Điều này giúp học sinh và giáo viên cả nước có được định hướng chung trong giai đoạn ôn thi nước rút để đạt được kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp.

Nhận định chung: Đây thực sự là một đề thi hay, mới mẻ và có tính phân hóa cao, khác biệt nhiều so với các năm học trước. Đề thi phù hợp hơn với mục tiêu Xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.

Đề gây khó cho thí sinh, không bám sát đề tham khảo

Với mã đề thi 103, cô Nguyễn Thị Vĩnh Thuyên – giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ nhận xét:

Nội dung kiến thức tập trung chương trình lớp 11 và 12. Cụ thể: Toán 12: 45 câu, chiếm 90%; Toán 11: 05 câu, chiếm 10%.

Cô giáo Nguyễn Thị Vĩnh Thuyên

Cô giáo Nguyễn Thị Vĩnh Thuyên

Về mức độ phân hóa của đề thi: Năm nay đề thi có tới gần 10 câu mức độ khó và cũng là dạng lạ đối với học sinh.

Với đề thi gồm có rất nhiều câu khó về mặt tự luận, trắc nghiệm, học sinh không thể hoàn thành trong 90 phút.

Dự đoán điểm, phổ điểm; Học sinh bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh nên có thể có nhiều điểm dưới 5; Học sinh học tốt lý thuyết cơ bản có thể làm được: 5 đến 6; Học sinh khá có thể làm được đến 8 điểm

Dự đoán điểm mà học sinh đạt nhiều nhất là 7 điểm. Học sinh học tốt môn toán có thể đạt từ 8 đến 9.

Do đề không giống với đề tham khảo của Bộ GD-ĐT công bố trước đó và lời hứa đề sẽ tương tự năm 2021 (do dịch bệnh kéo dài) nên sẽ rất ít điểm 9, 10.

Đề gây sốc cho học sinh vì nhiều câu đổi mới và nhiều câu chưa phù hợp với mức độ (nhiều câu mức độ 1, 2 nhưng tính toán vài thao tác mới ra hoặc là đề trộn không theo mức độ).

Hình học lớp 11, một câu góc và 1 câu khoảng cách đều cho hình lăng trụ (nhiều học sinh sẽ thấy khó và bỏ cuộc). Có đến 2 câu số phức (câu 45 và câu 47) có vẻ như đều mức độ 4.

So sánh, đánh giá mức độ phù hợp với mục đích của kỳ thi và mức độ tương đồng với đề tham khảo, cô Thuyên nhận định: Đề phù hợp với mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp, đồng thời rất thích hợp cho các trường Đại học có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh do đề có số lượng câu khó rải đều, phân hóa cao và tốt. Nói chung đề phân hóa rất cao và khó hơn rất nhiều so với đề tham khảo, các trường Đại học tốp đầu có thể sử dụng để tuyển sinh.

Tham khảo mã đề 112:

Kim Thoa ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/de-thi-mon-toan-nhieu-kien-thuc-la-va-khac-xa-de-tham-khao-i294520/
Zalo