Tìm được việc nhờ thành tích chạy marathon
Nhiều ứng viên ở Mỹ khéo léo đưa thành tích thể thao vào CV nhằm thể hiện sự kiên trì. Song cách làm này 'ghi điểm' trong mắt nhà tuyển dụng hay không còn là dấu hỏi chấm.
Brad Thomas, chuyên gia tuyển dụng ở thành phố New York (Mỹ), phải đọc hàng trăm CV mỗi tháng. Chia sẻ với The Wall Street Journal, ông nhận thấy một xu hướng mới gần đây. Ngoài thông tin về học vấn và kinh nghiệm làm việc, nhiều ứng viên còn thêm vào thành tích thể thao như giải marathon.
Mục tiêu là để chứng minh sự kiên trì, khả năng vượt qua thử thách và tinh thần làm việc chăm chỉ - những phẩm chất mà nhà tuyển dụng rất coi trọng.
Eliot Kaplan, cố vấn nghề nghiệp ở thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ), chia sẻ rằng ông từng hỗ trợ một ứng viên trong lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe đưa kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp tại Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (Major League Soccer) vào CV để giải thích khoảng thời gian gián đoạn trong sự nghiệp.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc vừa học vừa làm để trang trải chi phí đại học thể hiện tính chủ động của ứng viên.
Jaclyn Amaro (36 tuổi), hiện làm công việc bán thời gian trong lĩnh vực quan hệ công chúng ở New Jersey, chia sẻ rằng thành tích thể thao đã giúp cô lấp đầy khoảng thời gian nghỉ việc chăm con trong hồ sơ xin việc. Cô đã hoàn thành 6 lần marathon và có chứng chỉ huấn luyện viên thể hình ACE.
Nhờ đó, cô đã có cơ hội dạy Pilates ở Stockholm và tham gia tổ chức trại huấn luyện cho công ty quần áo thể thao nổi tiếng Lululemon.
Dylan Shrier (28 tuổi), sống ở New York, đã đưa thành tích tham gia giải Marathon Boston vào CV khi tìm việc. Anh hy vọng sẽ thể hiện được tinh thần cạnh tranh và thái độ làm việc chăm chỉ của mình. Thành tích này đã giúp anh có được công việc tại công ty thể thao mơ ước.
Mặc dù đưa thành tích thể thao vào CV có thể giúp ứng viên nổi bật, nhưng không phải lúc nào nó cũng mang lại hiệu quả tích cực.
Theo cố vấn Eliot Kaplan, ứng viên cần đảm bảo rằng các thành tích thể thao trong CV có liên quan đến công việc họ ứng tuyển. Nếu ứng tuyển vào các công ty thể thao, việc này hoàn toàn hợp lý. Nhưng đối với các công việc bình thường, cách làm này có thể phản tác dụng.
Kamille Fajardo, một cố vấn thuế 32 tuổi, gần đây đã tham gia cuộc đua marathon Chicago, nhưng cô cho biết sẽ không bao giờ đưa thành tích này vào hồ sơ xin việc. Cô giải thích đây là thành tựu mang tính cá nhân, không phải là thành tựu liên quan đến công việc chuyên môn của mình.
Jacob Travis (29 tuổi), nhà vật lý trị liệu ở Nashville, đã tạo ra cuộc tranh luận trên Instagram khi anh đăng tải video nói về việc đưa "marathon runner" (người chạy marathon) vào CV. Anh cho biết thành tích này thể hiện sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, không ít người phản đối và cho rằng hành động này có thể bị hiểu nhầm là khoe mẽ, thậm chí làm mất điểm với nhà tuyển dụng.
John Major, Phó Chủ tịch của công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Norgay Partners, cho biết các ứng viên cấp cao ít khi đưa sở thích cá nhân vào hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, ở các vị trí cấp thấp và trung cấp, việc liệt kê thành tích thể thao như chạy marathon cũng là cách thể hiện khả năng tự thúc đẩy bản thân và tinh thần làm việc kiên trì, điều này có thể hữu ích trong một số ngành nghề như tài chính.
Nhìn chung, việc đưa các thành tích thể thao vào CV có thể giúp các ứng viên tạo được ấn tượng tích cực, nhưng chỉ khi chúng thật sự phù hợp và có thể bổ sung vào câu chuyện nghề nghiệp của mình.