Rộn rã giờ ra chơi không điện thoại
Đối với học sinh trung học phổ thông (THPT), chiếc điện thoại thông minh gần như là 'vật bất ly thân'. Không thể phủ nhận những lợi ích của việc sử dụng điện thoại thông minh đúng cách, nhưng rõ ràng là chiếc điện thoại đã 'chiếm dụng' rất nhiều thời gian của giới trẻ. Vào giờ ra chơi, rất đông học sinh tranh thủ khoảng thời gian này để 'lướt mạng' hoặc 'cày game' mà bỏ qua việc tương tác với bạn bè, tham gia các trò chơi bổ ích để thư giãn đầu óc, lấy lại năng lượng cho những tiết học tiếp theo.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều trường THPT trong tỉnh đã triển khai mô hình “Giờ ra chơi không điện thoại”. Có thể kể đến các trường THPT Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu)…
Các trường học này đã làm tủ đựng điện thoại di động cho học sinh tại mỗi lớp học. Khi đến trường, toàn bộ học sinh phải cất điện thoại vào tủ chung, có phân công người giữ chìa khóa. Chỉ đến giờ ra về hoặc trong trường hợp giáo viên cho phép sử dụng điện thoại vào mục đích học tập thì học sinh mới được lấy điện thoại ra.
Khi không có điện thoại bên cạnh, vào giờ ra chơi, học sinh đã tìm về với các trò chơi như: nhảy dây, đá cầu, cầu lông, cầu mây… Ngay cả khi không tham gia vào một trò chơi nào, các em cũng ra sân trường để xem các bạn chơi, vui đùa hoặc trò chuyện cùng nhau. Sân trường vì vậy mà rộn rã tiếng cười, mang đến không khí vui tươi cho cả học sinh lẫn giáo viên.
Tại Trường THPT Vĩnh Cửu, giờ ra chơi không điện thoại đã thực hiện được gần một tháng. Cô Bùi Thị Ngọc Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Khi thực hiện giờ ra chơi không điện thoại, học sinh rất vui khi chơi các trò chơi tập thể. Phụ huynh học sinh cũng rất đồng tình với cách làm của nhà trường”.
Một phụ huynh có con đang học lớp 11A4 tại Trường THPT Vĩnh Cửu chia sẻ: “Quyết định giữ điện thoại suốt buổi học là đúng đắn. Nhìn các con vui đùa ở sân trường, phụ huynh cũng vui theo”.
“Giờ ra chơi không điện thoại” đang là một mô hình, phong trào được áp dụng tại nhiều trường THPT trên cả nước. Với “giờ ra chơi không điện thoại”, học sinh có nhiều cơ hội, thời gian để giao tiếp với bạn bè, thầy cô, từ đó tạo nên mối quan hệ gắn kết, gần gũi hơn. Đây cũng là cách để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện và giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ.