Để nông nghiệp thực sự phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Được xác định là trụ đỡ an sinh của nền kinh tế, những năm qua, cùng với công nghiệp, thương mại - dịch vụ, khu vực kinh tế nông nghiệp cũng đã có những bước chuyển mạnh về chất. Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp Hà Nam đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Những mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung cả trong trồng trọt và chăn nuôi được xây dựng và nhân rộng. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất, lợi nhuận và tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo sức bật mới trên đồng ruộng. Thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025”, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 4 vùng sản xuất cây ăn quả có tổng diện tích gần 49 ha, đều đang phát huy tốt hiệu quả.
Đối với mô hình trồng bưởi tại phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên có diện tích hơn 13 ha. Sau khi chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng bưởi người dân đã áp dụng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ chăm bón để nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, năng suất thực thu tại mô hình đạt 9.750 kg/ha, giá bán bình quân 12.000 đ/kg, đạt giá trị 117 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận đạt hơn 81,5 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 1,2 lần so với trước chuyển đổi. Hiện nay, diện tích trồng chuyên canh bưởi tại phường Châu Giang được mở rộng trên diện tích hơn 70 ha, trở thành vùng sản xuất tập trung... Đối với mô hình ổi lê Đài Loan tại xã Thanh Hương (Thanh Liêm) có diện tích hơn 4,7 ha được xây dựng từ hơn 1 ha ban đầu của người dân. Sau khi mô hình phát huy hiệu quả, diện tích ổi tại vùng sản xuất tập trung của xã Thanh Hương đã tăng lên hơn 7 ha. Cây ổi lê Đài Loan trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP và đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Giá trị sản xuất tại mô hình trồng ổi lê Đài Loan tại Thanh Hương đạt 330 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận đem lại 167.000.000 đồng/ha/năm, cao hơn 3 - 4 lần so với trước chuyển đổi. Chị Đỗ Thị Chuyên, trồng 3 ha ổi lê Đài Loan trong mô hình chuyển đổi chia sẻ: Việc chuyển đổi trồng cây ổi lê Đài Loan trên vùng đất lúa kém hiệu quả là hướng phát triển đúng đắn. Với cây ổi lê Đài Loan, sản xuất trên đồng ruộng có thay đổi đáng kể, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Sản phẩm ổi hiện nay được người tiêu dùng đón nhận, nhiều thời điểm cung không đủ cầu…
Sản xuất ngày càng được mở rộng, nhiều mô hình mới đã và đang phát huy hiệu quả. Hiện, không ít địa phương đã xuất hiện mô hình cá nhân tập trung ruộng đất (mượn hoặc thuê lại ruộng) có diện tích từ 5 – 40 ha sản xuất lúa hàng hóa liên kết tiêu thụ sản phẩm với đại lý và doanh nghiệp. Đối với mô hình sản xuất 2 vụ lúa và cây dưa chuột hàng hóa vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao, gắn kết cả 3 vụ trong năm có 2 vụ lúa được bố trí 100% diện tích là lúa xuân muộn, lúa mùa sớm và cấy giống lúa ngắn ngày để giải phóng đất trồng dưa chuột vụ đông (bảo đảm gieo trồng kết thúc chậm nhất vào ngày 5/10). Diện tích cây dưa chuột trồng trong vụ đông trên đất 2 lúa của tỉnh đạt bình quân khoảng 700 ha/vụ. Cây dưa chuột được trồng tập trung chính ở huyện Lý Nhân và Kim Bảng có diện tích sản xuất tại mỗi địa phương ước 300 ha/vụ. Qua thực tế sản xuất cho thấy, cây dưa chuột đem lại hiệu quả kinh tế cao vượt trội so với nhiều loại cây trồng ngắn ngày theo mùa vụ. Bình quân 1 sào dưa chuột cho giá trị từ 8 – 10 triệu đồng, có vụ đạt từ 12 – 15 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư sản xuất, lợi nhuận đem lại từ diện tích trồng dưa chuột đạt khoảng 60 – 70% (tương đương 5 – 7 triệu đồng/sào/vụ). Chị Nguyễn Thị Thuận, thôn Phương Lâm (xã Đồng Hóa, Kim Bảng) trồng 8 sào dưa chuột trên toàn bộ diện tích đất cấy của gia đình cho biết, chị tham gia trồng dưa chuột hơn 10 năm và trở thành nghề chính. Với 2 vụ lúa chủ yếu bảo đảm nguồn lương thực, vụ dưa đông đem lại thu nhập. Gia đình chị có 2 lao động chính đều gắn bó với đồng ruộng, chỉ làm thêm bên ngoài lúc nông nhàn (2 vụ lúa).
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đang là hướng được lựa chọn phát triển. Chăn nuôi nhỏ lẻ không hiệu quả, nguy cơ rủi ro về dịch bệnh cao từng bước được xóa bỏ. Thay vào đó, các mô hình chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp được áp dụng. Với gia cầm, tỷ lệ đàn nuôi theo hình thức trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp chiếm 56% tổng đàn và chiếm 68% tổng sản lượng. Nhiều mô hình nuôi gia cầm có số lượng lớn từ 8 – 10 nghìn con gà thịt, gà đẻ, vịt thịt trở lên, có trang trại đạt 20 – 30 nghìn con gà đẻ. Gia cầm được sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết chiếm tỷ lệ khoảng hơn 32%. Chăn nuôi lợn chủ yếu được phát triển theo hướng tập trung, tỷ lệ hộ nuôi nhỏ, lẻ giảm 30 – 40%... Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản được phát triển theo hướng tập trung, nhiều hộ nuôi từ 20 – 70 con. Chăn nuôi bò sữa đã được phát triển và đem lại hiệu quả cao tại nhiều địa phương. Tại xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên), xây dựng Khu chăn nuôi bò sữa tập trung rộng 11 ha. Trên địa bàn xã đang có 18 hộ nuôi, với tổng đàn lên đến gần 1.000 con, tăng khoảng 100 con so với cùng thời điểm năm trước. Quy mô mỗi trang trại đạt từ 50 con trở lên, một số trang trại có hơn 100 con. Ông Nguyễn Văn Khu, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Chuyên Ngoại cho biết: Nuôi bò sữa tại xã Chuyên Ngoại đem lại nguồn thu nhập luôn ổn định ở mức cao. Bình quân mỗi con bò sữa cho lãi ròng 2 triệu đồng/tháng. Các trang trại chăn nuôi bò sữa tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động, ở tất cả các khâu sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp phát triển đang đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thu nhập của người nông dân được cải thiện. Tại các mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất lúa, bình quân đạt 6 – 7 triệu đồng/người/tháng; mô hình trồng ổi lê Đài Loan đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Riêng cây dưa chuột xuất khẩu, trong 3 tháng của mùa vụ với diện tích 5 – 8 sào 2 lao động có thể thu về 30 – 40 triệu đồng. Chăn nuôi bò sữa, lao động phổ thông đạt 7 – 8 triệu đồng/người/tháng. Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang có bước thay đổi đáng kể theo hướng nâng cao giá trị. Đồng thời, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đồng đất, tận dụng và phát huy tốt nguồn lao động sẵn có ở khu vực nông thôn...
Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2024, lực lượng lao động nông nghiệp của tỉnh ước khoảng 88.000 người, chiếm tỷ lệ trên 18% lực lượng lao động trong toàn tỉnh. Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh đạt 56.115,3 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 10,93% so với năm 2023, đứng thứ 2 trong số các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ 5 toàn quốc. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8.596 tỷ đồng, tăng 0,63% so với năm 2023. Mặc dù chỉ chiếm 6,5% trong cơ cấu kinh tế nhưng ngành nông nghiệp đã và đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; các mô hình tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, phát triển. Vai trò trụ đỡ của nông nghiệp đã được khẳng định. Quan điểm “phi nông bất ổn” của các bậc tiền nhân đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề bị tác động nặng nề; nhiều nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất, ngành du lịch “đóng băng”… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, ổn định; nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nhìn lại bức tranh nông nghiệp của Hà Nam những năm qua có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp đang đi đúng hướng. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường được các cơ sở sản xuất, trang trại quy mô lớn tập trung áp dụng, cho hiệu quả rõ rệt. Số cơ sở chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cao sản, công nghệ chuồng trại hiện đại, quy trình công nghệ trồng trọt, chăn nuôi, quy trình vệ sinh thú y, công nghệ xử lý môi trường chiếm trên 85% các hộ, cơ sở sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ, các gia trại cũng tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp về nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Hiện, đã có một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: WinEco, HTX sản xuất nông sản sạch Thanh Hà; Tập đoàn Vinaseed, Dabaco, Masan, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân... Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nam đã có 130 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đều bảo đảm về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, quy định về tem, nhãn mác và có mã truy xuất nguồn gốc. Các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đã chủ động xây dựng chiến lược marketing, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tạo được niềm tin với nhiều người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nam có tiềm năng lớn trong liên kết phát triển với các tỉnh trong và ngoài khu vực, như: ruốc cá trắm cỏ, chả cá rô phi, cá kho của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; các sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc; bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam và các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX dược thảo Minh Đức… Đặc biệt, thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với các ngành chức năng chú trọng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam; hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm của tỉnh, của vùng và toàn quốc.
Thực hiện Quyết định số 950/QĐ-BCT ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025, ngày 25/9/2023 tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Đề án “Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại tỉnh Hà Nam năm 2023". Sở Công thương đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Phủ Lý lựa chọn và hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trạm dừng nghỉ Cầu Giẽ - Ninh Bình ở thôn Đình Ngọ (xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý). Đây là điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đầu tiên ở tỉnh Hà Nam nhằm mục đích quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, phát triển các sản phẩm OCOP, đặc sản, có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa điểm du lịch tâm linh, các sự kiện lễ hội nổi tiếng của tỉnh nhằm thúc đẩy, hợp tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, vừa góp phần quảng bá hình ảnh du lịch, vừa làm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.
Nông nghiệp của tỉnh được đánh giá là đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để nông nghiệp Hà Nam thực sự phát huy được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành nông nghiệp cũng như các địa phương của tỉnh trong những năm tới là hết sức nặng nề. Đặc biệt, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ và đô thị, đòi hỏi Hà Nam cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để phát huy vai trò của nông nghiệp. Trước hết, cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh...
Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng coi nông nghiệp là trụ đỡ, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15- NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tại Hội nghị làm việc với đoàn công tác đến từ tỉnh Guma của Nhật Bản, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy nhấn mạnh: Thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quy hoạch, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, lao động và nhất là các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của ngành nông nghiệp và kinh tế... Theo đó, Hà Nam sẽ xây dựng chiến lược về phát triển thương hiệu cho nông sản của tỉnh có năng lực cạnh tranh trong nước và thế giới. Đồng thời, triển khai cơ chế chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ các nguồn vốn; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích sản xuất bền vững, đa dạng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường trong nước, khu vực và trên thế giới. Cùng với việc nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất và chế biến nông sản, tăng cường tham gia liên kết vùng, chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Hà Nam chú trọng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo động lực phát triển cho toàn ngành. Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến một cách đồng bộ tại các khâu giống, nuôi trồng và chế biến; phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất thoát, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện: Minh Thu – Mạnh Hùng
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn
675
15:03 05/01/2025
bình luận