Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Tiếp tục cải cách, không để người dân kêu về đăng kiểm
Chiều 7/1, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Cục Đăng kiểm VN, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh yêu cầu Cục tiếp tục đẩy mạnh cải cách, không được để người dân, doanh nghiệp kêu ca về lĩnh vực này.
Viết tiếp trang sử đăng kiểm 60 năm đáng tự hào
Chiều 7/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Đăng kiểm VN; cùng dự có Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành, lãnh đạo một số Vụ của Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN, Đường thủy nội địa VN.
Sau khi nghe các báo cáo, tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh ghi nhận, đánh giá năm 2024 Cục Đăng kiểm VN làm tương đối tốt các nhiệm vụ, ổn định được tư tưởng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động. "Trong năm vừa qua, Cục Đăng kiểm VN đã đồng hành cùng các ngành, cơ quan của Bộ GTVT làm được rất nhiều việc. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhân lực còn thiếu, các đồng chí đã nỗ lực trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật", Bộ trưởng đánh giá.
Nhân dịp này, Bộ trưởng nhắc lại những cột mốc, thành tựu vẻ vang của Đăng kiểm VN trong 60 năm qua (25/4/1964 – 25/4/2024), đồng thời đề nghị Cục Đăng kiểm VN và lực lượng đăng kiểm tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống, viết tiếp trang sử vẻ vang của đăng kiểm.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Cục Đăng kiểm VN đã vượt qua được khó khăn lớn nhất là xây dựng lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất phương tiện GTVT trên thế giới có phát triển, thay đổi hằng ngày đòi hỏi Đăng kiểm VN phải có sự nỗ lực hơn để có công cụ và phương thức quản lý tốt chất lượng phương tiện thông qua quy định pháp luật, quy chuẩn, cũng như nguồn nhân lực có trình độ và ứng dụng công nghệ, trang thiết bị kiểm định hiện đại.
Chỉ đạo định hướng nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị Cục Đăng kiểm VN tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, đơn giá, định mức kỹ thuật… với tinh thần hệ thống văn bản pháp luật là để phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt nhất.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực, Bộ trưởng yêu cầu Cục, Vụ chức năng nghiên cứu để tăng định biên theo đề nghị của Cục Đăng kiểm VN, song lựa chon nhân lực có trình độ để làm tốt không chỉ nhiệm vụ của Cục và chỉ đạo tốt nghiệp vụ đối với các địa phương.
"Ban Chấp hành, Thường vụ Đảng ủy Cục Đăng kiểm VN phải thực sự đoàn kết, thực sự gương mẫu mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng đó, tập trung rà soát, đặc biệt cải cách hành chính, không chỉ lĩnh vực Cục phụ trách mà ở các địa phương, không để người dân, doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn về ngành. Muốn ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực cần phải giáo dục cán bộ công nhân viên các trạm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm để không được có chiêu trò với người dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý Cục Đăng kiểm VN thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, để thuận lợi cho người dân và giải phóng sức lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của ngành, cũng như gương mẫu tuân thủ pháp luật để nêu gương mọi người cùng chấp hành.
Hoàn thành số lượng văn bản pháp luật "bằng 10 năm", không còn khủng hoảng đăng kiểm
Báo cáo tại hội nghị trước đó, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) Nguyễn Chiến Thắng cho biết, năm 2024, Cục ĐKVN được giao chủ trì xây dựng khối lượng văn bản rất lớn bao gồm 43 văn bản quy phạm pháp luật, 60 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Theo Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng, số lượng văn bản quy phạm pháp luật mà Cục phải xây dựng trong năm 2023 – 2024 bằng 10 năm trước cộng lại.
Kết quả, Cục đã cơ bản hoàn thành công tác trên, với 27 văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với các đơn vị hoàn chỉnh, trình Bộ GTVT ban hành 41 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (hiện có 7 quy chuẩn khác đang chờ ban hành).
Nhìn chung, năm 2024, Cục ĐKVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó đạt được một số kết quả nổi bật: Khắc phục triệt để được tình trạng khủng hoảng lĩnh vực kiểm định xe cơ giới trên phạm vi toàn quốc. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng Cục ĐKVN đã xử lý tốt và hiệu quả, đưa hoạt động kiểm định ổn định như hiện tại.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính cơ bản đều đạt so với yêu cầu; công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số được thực hiện khoa học, nghiêm túc. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là công tác tập huấn, đào tạo, đánh giá đăng kiểm viên được đẩy mạnh. Công tác đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, thiết bị GTVT và công trình dầu khí biển được duy trì ổn định, nổi bật là việc ổn định hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trong thời gian vừa qua.
Tuy vậy, khó khăn, vướng mắc của Cục ĐKVN trong năm là khối lượng công việc rất lớn, nhất là số lượng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật mới cần xây dựng, trong khi do ảnh hưởng của những sự cố, vi phạm thời gian qua nên thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2024, Cục ĐKVN được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, đã cử gần 80 công chức đi bồi dưỡng công tác mới này nhưng chưa được Bộ GTVT giao biên chế chính thức nên đến nay chưa thực hiện được chức năng này.
Bên cạnh đó, do từ 1/7/2024 Cục không còn thuộc diện được hưởng cơ chế quản lý tài chính đặc thù nhưng chưa có cơ chế mới thay thế, dẫn đến toàn bộ nguồn vốn Quỹ Đầu tư phát triển mà Cục đang được quản lý chưa được xác định có tiếp tục được sử dụng trong năm 2025 hay không. Do đó, các dự án đầu tư của Cục ĐKVN có thời hạn thực hiện kéo dài sang năm 2025 đều phải dừng lại.
Về giải pháp năm 2025, Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng cho biết, Cục ĐKVN tiếp tục tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện, thiết bị GTVT, công trình dầu khí biển đáp ứng yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công tại Cục ĐKVN.
Triển khai thực hiện Đề án "Sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tham mưu, giúp việc và các đơn vị trực thuộc; tách chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục Đăng kiểm Việt Nam" sau khi được phê duyệt.
Bổ sung, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn đăng kiểm viên, tăng cường tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các Sở GTVT. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm với trọng tâm là triển khai Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm" đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, an ninh mạng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Sau kiểm định lần đầu, hơn 852.000 phương tiện cơ giới phải sửa chữa, khắc phục hư hỏng
Trong năm, công tác chỉ đạo, điều hành quản lý chất lượng, kiểm định phương tiện GTVT trên cả nước đạt kết quả tích cực. Trong đó, về kiểm định xe cơ giới đang lưu hành , cả nước hiện có 300 cơ sở đăng kiểm với 553 dây chuyền kiểm định, đến thời điểm hiện tại có 280 cơ sở đăng kiểm đang hoạt động với 462 dây chuyền kiểm định.
Đến 30/11/2024, các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đã kiểm định được hơn 5,39 triệu lượt phương tiện; trong đó 4.542.098 lượt (chiếm 84,2%) phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, 852.081 (chiếm 15,8%) lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
"Đến nay, công tác kiểm định phương tiện tại các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước được duy trì, hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp và nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ", theo Cục Đăng kiểm VN.
Công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, từ đầu năm 2024, Cục ĐKVN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết các thiết kế còn tồn đọng như: Phân công cho các đăng kiểm viên tập trung, làm thêm giờ kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, luân chuyển có thời hạn các ĐKV từ khối tàu biển sang để tăng tốc độ thẩm định, tăng cường đào tạo và bổ sung nguồn lực cho các Chi cục đăng kiểm để phân cấp phân quyền cho các địa phương. Trong 11 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã thẩm định 5.884 thiết kế đóng mới, hoán cải, lập hồ sơ, sản phẩm công nghiệp và sổ tay hướng dẫn.
Đến nay, cơ bản công tác thẩm định thiết kế không còn tồn đọng nhiều hồ sơ cần thẩm định, phê duyệt thiết kế. Về giám sát kỹ thuật phương tiện thủy, hiện toàn quốc còn 31 đơn vị đăng kiểm phương tiện (20 Chi cục đăng kiểm trực thuộc Cục ĐKVN, 11 đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT); còn 7 đơn vị thuộc Sở GTVT có trước đó nhưng không đủ năng lực để thực hiện công tác đăng kiểm (tại Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Đà Nẵng, Hải Dương, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong 11 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đăng kiểm thủy toàn quốc kiểm tra giám sát kỹ thuật 22.207 lượt phương tiện.