Cải cách thể chế - giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng
Thể chế với chính sách chưa phù hợp, thủ tục hành chính cồng kềnh là điểm nghẽn cần tháo gỡ nhằm giải phóng nguồn lực, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng.
Nhận diện các điểm nghẽn
Tại Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Cải cách thể chế: Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực đẩy tốc lực tăng trưởng”, trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam – Lần thứ 17, các diễn giả đã nhận diện khá rõ nét những điểm nghẽn cho phát triển kinh tế.
Về thị trường thế giới năm 2025, theo ông Phạm Quang Vinh- nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ngoài xu hướng kéo dài từ năm 2024, sang năm 2025 thị trường thế giới có 2 điểm đáng chú ý tác động tới tăng trưởng của Việt Nam.
Đầu tiên là Tổng thống Donald Trump lên điều hành chính quyền, dự báo sẽ thực hiện những chính sách mới về thuế đối với các đối tác thương mại. Một điểm nữa, sự thay đổi nội bộ của nhiều quốc gia, trong đó xu hướng bảo thủ, nhất là về thương mại sẽ mạnh mẽ hơn.
Về những thách thức tại thị trường Hoa Kỳ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, đây không phải là vấn đề quá đáng lo lắng bởi dù Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ nhưng chủ yếu là những mặt hàng thông dụng. Tuy nhiên, về dài hạn xuất nhập khẩu vẫn cần chuyển sang khung cao hơn, có nghĩa thực hiện minh bạch và công bằng thương mại sát sao hơn nữa. Cùng đó, doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới, sản xuất mặt hàng mới nhằm tránh tình trạng “để trứng vào một giỏ”.
Phân tích kỹ hơn về tác động từ sự thay đổi chính sách thương mại có thể xảy ra tại thị trường Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh, cho rằng, việc nhập siêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam cho thấy Việt Nam đã tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa của thị trường này. Xét trên mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là đã đạt được.
Ở một khía cạnh khác, chính quyền Hoa Kỳ lo ngại Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường này, nhất là khi cán cân thương mại 2 nước nghiêng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, 10-15 năm qua các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ chưa phát hiện được vụ việc nào xảy ra. Do đó có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng rất tốt quy tắc xuất xứ, minh bạch thương mại với Hoa Kỳ thực hiện khá tốt.
“Trong trường hợp chính quyền Tổng thống Donald Trump có áp dụng chính sách thuế mới với Việt Nam còn cần thời gian để thực thi. Vì thế, ít nhất xuất nhập khẩu của Việt Nam còn có thời gian để chuẩn bị và chuyển đổi”, nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Nhìn nhận những điểm nghẽn từ thị trường trong nước, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê chỉ ra, tiêu dùng cuối cùng là động lực tăng trưởng lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tiêu dùng cuối cùng có cải thiện nhưng rất chậm, chỉ từ 5-6%. Con số này không thể tạo ra được động lực bước ngoặt cho tăng trưởng kinh tế. “Năm 2025 để tăng trưởng kinh tế, động lực từ tiêu dùng cuối cùng vẫn rất quan trọng, Chính phủ cần có giải pháp kích thích động lực này”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Vậy làm thế nào để tăng tiêu dùng cuối cùng? Đầu tiên, thu nhập của người dân phải có, như vậy cần kiến tạo chính sách để các hộ gia đình có thu nhập khả dụng. Tiếp đó, sản phẩm (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng, đa dạng hóa sản phẩm. Cùng đó, phát triển các hình thức thương mại hiện đại thay vì vẫn phụ thuộc vào thương mại truyền thống như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên ở góc độ vĩ mô hơn, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng, điểm nghẽn lớn của nền kinh tế hiện nay là triển khai đầu tư công chưa hiệu quả.
Những năm gần đây, Chính phủ đã “mạnh tay” đầu tư cho đầu tư công, tuy nhiên do thực hiện chưa đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Dẫn đến điểm nghẽn về hạ tầng, năng lượng, giao thông… gây khó khăn trong thu hút đầu tư.
“Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, đẩy mạnh thực hiện đầu tư công, đạt hiệu quả sẽ là giải pháp trọng tâm”, đại diện ADB nhận định.
Cải cách thể chế vẫn là mấu chốt
Muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư công, ông Nguyễn Bá Hùng nhìn nhận, cải cách thể chế vẫn là điểm mấu chốt. Theo đó, Chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ để giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Có cơ chế để tăng tỷ lệ đầu tư tư nhân, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển hạ tầng bao gồm cả hạ tầng giao thông, năng lượng…
Quay lại vấn đề nội lực cho tăng trưởng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cũng nhìn nhận vai trò của cải cách thể chế. Cụ thể, cần có chính sách tăng thu nhập của các hộ gia đình; hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.
Đồng thời, vận hành những chính sách để người lao động có thêm thu nhập thông qua việc giảm các loại thuế, như thuế thu nhập cá nhân; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. “Nên chăng chúng ta có chính sách thuế áp dụng cụ thể cho từng tầng lớp dân cư”, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất.
Cùng đó, cần có chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng; khuyến khích tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; đẩy mạnh các hình thức thương mại hiện đại như thương mại điện tử, kinh tế số.
“Tóm lại, Chính phủ cần có chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân; chính sách tín dụng tiêu dùng để hỗ trợ người tiêu dùng. Quan trọng nhất là cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp như vậy mới có thể đảm bảo hiệu quả”, ông Nguyễn Bích Lâm một lần nữa nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất, về mặt chính sách có 3 vấn đề chính cần cải thiện.
Trong đó đáng kể là chất lượng văn bản pháp luật, sự chồng chéo giữa các quy định là rào cản lớn cho doanh nghiệp triển khai các dự án. Gốc rễ vấn đề cần tháo gỡ ở đây là sự phối hợp giữa các bộ ngành cần thông suốt và nhuần nhuyễn hơn.
Tiếp đó, cải cách mạnh trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính sao cho nhanh, gọn và hiệu quả. “Đây là yếu tố đòi hỏi cần bước đột phá trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh.
Cuối cùng là thực thi tại các địa phương. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu, một số địa phương đạt mức tăng trưởng GDP 2 con số trong năm vừa qua có đặc điểm chung là môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư rất thông thoáng và thuận lợi. Nghiên cứu mô hình của địa phương này sẽ có bài học kinh nghiệm rất tốt cho các tỉnh, thành phố khác.
Với chủ đề "Cải cách thể chế: Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực đẩy tốc lực tăng trưởng", phiên thảo luận 1 của Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam - Lần thứ 17 thu hút sự tham gia, thảo luận của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.