Đề nghị tiếp tục áp dụng các chính sách đặc thù tại các địa phương sau sắp xếp tỉnh, thành

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ.

Sáng nay, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại văn bản số 14708-CV/VPTW ngày 05/5/2025, Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tính đến nay, cả nước có 10 địa phương (bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, TPHCM và Cần Thơ) đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các Luật, Nghị quyết riêng của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, sẽ có 06/10 địa phương nêu trên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bao gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến TP Buôn Ma Thuột), TPHCM và TP Cần Thơ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Theo Chính phủ, việc sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh và kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện dẫn đến thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý, địa vị pháp lý, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội,... của các địa phương.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp nhằm đảm bảo tính liên tục, ổn định của quy định pháp luật, trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Tờ trình cũng nhấn mạnh, việc chuyển tiếp này sẽ bảo đảm tính liên tục, không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được.

Các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng vượt trội của địa phương hoặc thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới.

Qua sơ kết và đánh giá quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại các địa phương cho thấy, các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện đã phát huy hiệu quả, tạo động lực cho các địa phương phát triển và tận dụng được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương, nhất là các lĩnh vực: tài chính, ngân sách, quy hoạch, đất đai, khoa học - công nghệ và thu hút các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn.

Đồng thời, đẩy mạnh tối đa việc phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương chỉ thực hiện việc giám sát, hậu kiểm.

Nhiều dự án đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được xây dựng, phê duyệt và thực hiện theo các cơ chế, chính sách này.

Do đó, việc quy định chuyển tiếp vấn đề này tại các địa phương sau sắp xếp nhằm tiếp tục phát huy các kết quả tích cực nêu trên và tránh ảnh hưởng tiêu cực tới các kế hoạch, dự án đang triển khai và môi trường đầu tư kinh doanh là hết sức cần thiết và cấp bách.

Quang cảnh Kỳ họp

Quang cảnh Kỳ họp

Chính phủ cũng khẳng định, việc sắp xếp ĐVHC 02 cấp không làm mất đi vai trò và đặc điểm riêng biệt của địa phương.

Các cơ chế, chính sách đặc thù được xây dựng gắn liền với vị thế, vai trò và những đặc điểm riêng biệt của cùng địa phương hoặc khu vực đô thị lõi như: Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp, dịch vụ logistics; Đà Nẵng là trung tâm du lịch, dịch vụ, công nghệ cao; Khánh Hòa là địa phương phát triển kinh tế biển, du lịch biển; Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên; TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Việc tổ chức, sắp xếp ĐVHC 02 cấp không làm mất đi vai trò, vị trí chiến lược và những đặc thù về tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Các địa phương sau sắp xếp được mở rộng không gian phát triển mới, phát huy được vai trò dẫn dắt của vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới, tiềm năng mới cho phát triển của địa phương.

Do đó, việc chuyển tiếp áp dụng các cơ chế, chính sách này sau sắp xếp ĐVHC 02 cấp sẽ tạo điều kiện mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sang tỉnh, thành phố mới, tạo điều kiện nhân rộng mô hình phát triển thành công, tạo sức bật cho việc thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên vào năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

Việc sắp xếp ĐVHC 02 cấp có liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý về tổ chức bộ máy, quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quy hoạch...

Trường hợp không có quy định chuyển tiếp áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý cho địa phương sau sắp xếp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư, nghĩa vụ tài chính, các quyết định hành chính đã ban hành dựa trên cơ chế, chính sách đặc thù đã được cho phép áp dụng đối với địa phương thuộc địa phương sau sắp xếp.

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thực chất là việc thí điểm những cơ chế, chính sách mới, đột phá để có thời gian sơ kết, tổng kết nếu phát huy tác dụng sẽ được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng trong cả nước.

Đồng thời, việc quy định rõ vấn đề chuyển tiếp áp dụng các cơ chế, chính sách này tại Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo căn cứ pháp lý thống nhất cho quá trình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Để phát huy hết các tiềm năng, lợi thế cũng như tạo thế và lực mới cho các địa phương đang có cơ chế, chính sách đặc thù sau khi thực hiện việc sắp xếp ĐVHC các cấp và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV cho phép các địa phương sau sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh (bao gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM và Cần Thơ) được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng tại các địa phương trước khi sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh.

Cho phép các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC 02 cấp) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hóa những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-nghi-tiep-tuc-ap-dung-cac-chinh-sach-dac-thu-tai-cac-dia-phuong-sau-sap-xep-tinh-thanh_178162.html
Zalo