Để không còn lãng phí cơ hội!
Lãng phí là vấn đề được nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây khi chúng ta thường đề cập đến khoản chi tiêu, đầu tư không hiệu quả. Tuy vậy, vẫn còn một dạng lãng phí khác, đó là lãng phí cơ hội. Dù không dễ để nhìn thấy ngay những hậu quả của nó - lãng phí cơ hội là một trong những rào cản rất lớn làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực trạng này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Theo người đứng đầu Chính phủ, một vấn đề hiện nay chưa được đánh giá hết, đó là tình trạng lãng phí cơ hội và thời gian. Cơ hội đến và đi rất nhanh, nếu xử lý cầm chừng thủ tục hành chính thì cơ hội đã đi mất. Hay những vấn đề bất ngờ, đột xuất nên cần có công cụ giải quyết ngay, thay vì phải chờ thủ tục hành chính, họp hành. “Chia sẻ như vậy, để chúng ta ủng hộ cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí cơ hội này. Đó là khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện. Thực tế cũng cho thấy, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách để tháo gỡ những nút thắt về thủ tục, song trong một số lĩnh vực, thủ tục hành chính vẫn còn mang nặng tính xin - cho. Dù không nhiều nhưng vẫn còn tình trạng nhà đầu tư phải đối mặt với tình trạng chờ đợi vì vướng quá nhiều thủ tục, bởi phải xin ý kiến của nhiều cơ quan, qua nhiều tầng nấc trung gian, mới có thể triển khai dự án. Những tầng nấc này, vô hình trung làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.
Không chỉ là vướng về thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc, một trong những nguyên nhân gây lãng phí cơ hội chính là quy định pháp luật thiếu thống nhất, chồng chéo dẫn đến “tuân thủ được quy định này, lại vướng quy định kia”, làm khó doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng chỉ rõ, một số quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi. Có trường hợp văn bản ban hành chưa đúng thẩm quyền, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Chưa kịp thời phối hợp giải quyết ngay những mâu thuẫn, chồng chéo của chính sách, pháp luật gây khó khăn cho việc áp dụng. Việc triển khai chính quyền điện tử chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn…
Những điểm “vênh” của các quy định pháp luật là một trong những điểm trừ về thể chế với bất kỳ nhà đầu tư nào. Điều đáng nói là, ngoài những rào cản về thủ tục hành chính, ngoài sự thiếu thống nhất của một số quy định pháp luật, thì đạo đức công vụ, cũng như trình độ của một số cán bộ, công chức cũng là điều đáng bàn. Đó là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm mà chỉ “chờ xin ý kiến” cấp trên. Ngoài ra, còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, làm khó người dân, doanh nghiệp…
Lãng phí nói chung, lãng phí cơ hội nói riêng gây ra nhiều hệ lụy. Đó là lãng phí gây thiệt hại đến nguồn lực tài chính, tăng gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Và điều quan trọng hơn, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, với các chính sách pháp luật.
Để lãng phí cơ hội không còn xảy ra, cần phải quyết liệt cải cách thể chế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn chồng chéo giữa các luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch các thủ tục, cũng như quy trình xử lý thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục. Phải rõ trách nhiệm và chế tài đủ mạnh cho từng khâu, từng cơ quan, cá nhân cố tình làm khó người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã nêu rõ, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Nghị quyết của trương ương đã có, với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp, chúng ta tin rằng, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ, tổ chức thực thi pháp luật ngày càng hiệu quả. Đây chính là giải pháp hữu hiệu nhất để không còn lãng phí cơ hội xảy ra.