Cơ cấu lại quỹ tài chính ngoài ngân sách: Tối ưu hóa nguồn lực, tránh trùng lặp chi tiêu
Các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (TCNNS) giữ vai trò quan trọng trong việc huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước (NSNN) và thúc đẩy xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống quỹ hiện nay đang lộ rõ nhiều bất cập đòi hỏi phải cấp bách cơ cấu lại nhằm tinh gọn tổ chức, loại bỏ chồng chéo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công và bảo đảm kỷ luật tài khóa trong giai đoạn phát triển mới.

PGS, TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế: Việc cơ cấu lại các quỹ TCNNS là yêu cầu cấp bách nhằm tinh gọn tổ chức, loại bỏ chồng chéo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công và bảo đảm kỷ luật tài khóa trong giai đoạn phát triển mới. Ảnh minh họa
Chủ yếu dựa vào ngân sách, thiếu minh bạch và tiêu chí đánh giá
Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2024, cả nước có 22 quỹ TCNNS do Trung ương quản lý, với tổng số dư tương đối lớn, tăng 3,97% so với năm 2023. Trong đó, 3 quỹ bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm đến 91,4% tổng số dư. 4 quỹ có số dư dưới 100 tỷ đồng, 8 quỹ từ 100 - 1.000 tỷ đồng, 8 quỹ trên 1.000 tỷ đồng.
Các quỹ TCNNS được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó đáng kể nhất là vốn bổ sung từ NSNN (chiếm khoảng 28,6%), phí và lệ phí được để lại (26,3%), cùng với đóng góp tự nguyện, tài trợ trong nước và viện trợ quốc tế có mục tiêu. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư sinh lời và các khoản thu khác như thu hồi, xử phạt còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Tổng thu các quỹ năm 2023 đạt gần 66.400 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 37.800 tỷ đồng.
Về vận hành, các quỹ áp dụng cơ chế tổ chức riêng, phân tán, thiếu thống nhất giữa các cấp quản lý. Một số quỹ do cán bộ kiêm nhiệm điều hành, trong khi nhiều quỹ tổ chức bộ máy đầy đủ, phát sinh chi phí lớn. Nhiều quỹ chưa có nguồn thu ổn định từ hoạt động nhiệm vụ, chủ yếu phụ thuộc vào lãi tiền gửi ngân hàng, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn còn thấp.
Nhiều quỹ có nhiệm vụ trùng với chi NSNN hoặc chương trình mục tiêu quốc gia, như Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã gây phân tán nguồn lực và làm khó công tác giám sát; một số quỹ có chức năng chi trùng lặp với NSNN và Ngân hàng Chính sách xã hội, như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Việc làm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa...
Đến năm 2023, gần 50% quỹ địa phương chưa có tiêu chí đánh giá hiệu quả. Chỉ 32/74 quỹ cấp trung ương có báo cáo kiểm toán độc lập được công khai.
Việc sử dụng quỹ TCNNS thiếu minh bạch làm suy giảm hiệu lực giám sát. Cuối năm 2023, số dư Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt khoảng 1.167 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, việc công khai thông tin và báo cáo kiểm toán độc lập còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Năm 2024, tổng dư quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 124.000 tỷ đồng nhưng nhiều quỹ giải ngân dưới 50%. Ví dụ: Quỹ Phát triển khoa học công nghệ và quốc gia dư trên 2.300 tỷ đồng, giải ngân chỉ 43%. Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương dư gần 7.000 tỷ, giải ngân khoảng 52%. Nguyên nhân chủ yếu do quy trình phê duyệt rườm rà, thiếu cơ chế phối hợp giữa Luật NSNN và các luật chuyên ngành.
Nhiều quỹ còn tồn dư lớn nhưng ngân sách vẫn bội chi, cho thấy sự phân bổ nguồn lực thiếu đồng bộ. Năm 2025, ngân sách Trung ương phải bổ sung 44.000 tỷ đồng để chi trả chế độ cho cán bộ, công chức khi sắp xếp lại bộ máy (Bộ Tài chính, 2024), phản ánh nhu cầu cấp thiết về cơ cấu lại ngân sách theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
Kinh nghiệm quốc tế về quản lý quỹ tài chính công
Tại Nhật Bản, từ năm 2023-2024, các đánh giá tác động chính sách về quỹ TCNNS được thực hiện có sự tham vấn công khai để tăng tính đồng thuận xã hội. Hàn Quốc cũng triển khai đánh giá hiệu quả chính sách sau thực hiện, yêu cầu công bố kết quả và xem xét phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Trong khi đó, các nước OECD tuân thủ nguyên tắc tách biệt ngân sách với quỹ đặc thù để tránh “ngân sách kép”.
Đức từng mở rộng quy mô quỹ ngoài ngân sách lên khoảng 400 tỷ euro đến cuối 2022, tương đương 10% GDP, gây lo ngại về kỷ luật tài khóa. Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức đã tuyên bố việc chuyển vốn giữa các quỹ là vi hiến năm 2023. Ngân hàng Trung ương Đức khuyến nghị trở lại quản lý theo ngân sách cốt lõi.
Singapore đã sửa đổi khung Quỹ Tiết kiệm Trung ương và thiết lập Cơ chế Lợi nhuận Đầu tư Ròng để bảo đảm khả năng chi tiêu công dài hạn. Đồng thời, nước này sử dụng các quỹ đặc biệt để hoạch định chi tiêu quốc gia một cách chủ động và minh bạch hơn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phân định rõ vai trò của quỹ và ngân sách, gắn chi tiêu với kết quả đầu ra, cùng với cơ chế giám sát độc lập là giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công ở Việt Nam.
Rà soát, phân loại và cơ cấu lại các quỹ
Căn cứ Luật NSNN 2015, cần giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả; hợp nhất các quỹ có chức năng tương đồng để tránh dàn trải nguồn lực; duy trì có điều kiện với các quỹ thực sự cần thiết, hiệu quả, minh bạch.
Việc kiểm tra hoạt động các quỹ chưa thường xuyên; một số chưa tuân thủ chế độ báo cáo, quyết toán. Do vậy, cần quy định trách nhiệm kiểm toán bắt buộc bởi Kiểm toán nhà nước hoặc tổ chức độc lập; công khai kết quả tài chính và hoạt động định kỳ, tăng tính giải trình; rà soát chế độ tiền lương, đảm bảo tương xứng hiệu quả, tránh tình trạng quỹ gửi ngân hàng hưởng lãi nhưng vẫn chi trả thu nhập cao.
Nhiều quỹ đang thực hiện nhiệm vụ tương tự các chương trình chi thường xuyên NSNN, dẫn tới trùng lặp, kém hiệu quả. Do vậy, cần rà soát, sáp nhập quỹ có chức năng trùng với chi thường xuyên; tăng cường giám sát ngân sách, đảm bảo chi đúng, tránh thất thoát.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý quỹ còn hạn chế. Ví dụ, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân có tài sản hơn 178,4 nghìn tỷ đồng (9/2023) nhưng hạ tầng CNTT còn lạc hậu. Với quỹ này, cần phát triển hệ thống giám sát điện tử dựa trên kết quả đầu ra, sử dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo; đào tạo cán bộ chuyên trách CNTT và phân tích dữ liệu tài chính; chuẩn hóa quy trình báo cáo, bảo đảm minh bạch và kịp thời.
Tóm lại, cơ cấu lại các quỹ TCNNS là bước đi cấp thiết nhằm loại bỏ chồng chéo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công và bảo đảm kỷ luật tài khóa. Để thành công, cần đồng bộ hóa chính sách, tăng cường kiểm toán, công khai kết quả hoạt động và tích hợp chi tiêu trùng lặp vào ngân sách thường xuyên, góp phần hình thành nền tài chính công hiện đại, minh bạch và bền vững./.