Để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghiệp đường sắt

Dự báo đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt sẽ tạo ra khoảng 76 tỷ USD cho thị trường xây dựng và 34 tỷ USD cho thị trường thiết bị. Một dự án mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước và để hiện thực hóa mục tiêu này, rào cản về tài chính và công nghệ cần được tháo gỡ.

Phát triển công nghiệp đường sắt, doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội làm chủ trên sân nhà

Phát triển công nghiệp đường sắt, doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội làm chủ trên sân nhà

Trong các đề án báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Xây dựng đã đề ra mục tiêu đầy tham vọng: Đến năm 2030, Việt Nam sẽ làm chủ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đường sắt tốc độ dưới 160 km/giờ cùng với hệ thống đường sắt đô thị. Từ sau năm 2030, hướng tới tự sản xuất phần mềm, hệ thống điều khiển, điện động lực, đầu máy và toa xe. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các doanh nghiệp cần sớm đánh giá năng lực, định hướng chiến lược và chủ động tham gia thị trường.

Phá gỡ rào cản về tài chính

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã trình Quốc hội 3 Nghị quyết quan trọng về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ khởi công đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và cuối năm 2027 tiếp tục khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Những dự án quan trọng với quy mô và nguồn vốn rất lớn nói trên tạo ra một thị trường lớn cho các doanh nghiệp nội địa tham gia đồng hành với ngành đường sắt, hạ tầng giao thông.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy, kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc - các nước không tự phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao mà thông qua chuyển giao công nghệ - cho thấy, không nhất thiết phải làm chủ toàn bộ.

Cũng theo ông Huy, doanh nghiệp Việt phải làm chủ trên sân nhà và khi làm là phải có lợi nhuận. Ngược lại, cũng phải cung cấp sản phẩm với giá cạnh tranh, không thể quá đắt so với sản phẩm nước ngoài. Từ đó, ông đề nghị doanh nghiệp cần xác định năng lực của mình và kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách đối với Nhà nước.

Về hợp phần xây lắp, ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) nhận định, doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhận 90 - 95% hạng mục xây dựng.

Tuy nhiên, những dự án đường sắt quy mô lớn cũng đặt ra không ít thách thức, từ yêu cầu công nghệ, mức đầu tư đến những rào cản về tài chính và kinh nghiệm của nhà thầu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), số doanh nghiệp trong nước có vốn hơn 1.000 tỷ đồng hiện vẫn rất hạn chế. Thay vì tổ chức đấu thầu quốc tế, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu phương án chỉ định thầu, đồng thời giảm 5% giá trị xây lắp, tương tự mô hình đã áp dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội phát triển

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội phát triển

Doanh nghiệp Việt từng bước làm chủ công nghệ

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đến năm 2030, nhóm thiết bị hạ tầng cần khoảng 28,7 triệu mét ray, 11.680 bộ ghi và 46 triệu thanh tà vẹt. Nhóm đầu máy, toa xe dự kiến cần 265 đầu máy và 1.786 toa xe. Nhóm hệ thống thông tin, tín hiệu cần nâng cấp và phát triển đồng bộ cho cả đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa. Nhóm điện sức kéo sẽ đầu tư 18 tuyến đường sắt điện khí, sử dụng nguồn điện xoay chiều một pha 25 kV. Những định hướng này không chỉ nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt, mà còn thúc đẩy sản xuất trong nước, từng bước làm chủ công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp lớn như Viettel, Hòa Phát, Thaco, Trung Chính… đều sẵn sàng tham gia phát triển ngành công nghiệp này và kỳ vọng vào cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước, bao gồm ưu đãi thuế, vốn vay và chỉ định thầu. Bên cạnh đó, một số tập đoàn cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ kết nối với đối tác quốc tế, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Nhấn mạnh vai trò của việc chủ động phát triển công nghiệp đường sắt, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) Nguyễn Ngọc Đông phân tích: Với dân số hơn 100 triệu người và hệ thống đô thị ngày càng mở rộng, Việt Nam cần hướng tới làm chủ công nghệ ở mức phù hợp.

Theo ông Đông, nhiều doanh nghiệp Việt hoàn toàn đủ khả năng đảm nhận nhiều khâu quan trọng, từ sản xuất toa xe, hệ thống tín hiệu, điều hành đến phát triển linh kiện. Một số doanh nghiệp thậm chí có thể tham gia sâu vào quy trình sản xuất và lắp ráp. Quan trọng là có quyết sách đúng đắn, huy động nguồn lực và xác định những công đoạn cần làm chủ, kết hợp chuyển giao công nghệ quốc tế để phát triển bền vững.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt đã nhấn mạnh: "Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công”.

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt. Theo đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kết hợp thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế. Một số sản phẩm công nghiệp đường sắt sẽ được ưu tiên đầu tư theo danh mục công nghệ cao. Luật cũng bổ sung tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp trong nước thực hiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đồng thời có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-doanh-nghiep-viet-lam-chu-cong-nghiep-duong-sat-162323.html
Zalo