Đế chế kinh doanh của Elon Musk 'đắc lợi'

Những cuộc điều tra của chính phủ đối với các doanh nghiệp của tỷ phú Elon Musk đang tạm ngưng giữa cơn bão sa thải của Tổng thống Donald Trump.

Trong chưa đầy một tháng kể từ khi ông Donald Trump quay lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng, các doanh nghiệp do tỷ phú Elon Musk điều hành đã bắt đầu hưởng lợi, hoặc ít nhất là đang cải thiện được vị thế.

 Ảnh: New York Times.

Ảnh: New York Times.

Với quyền lực sâu rộng được trao bởi Tổng thống Trump, người giàu nhất hành tinh đã giải thể một loạt cơ quan liên bang. Bản thân ông Trump cũng sa thải nhiều quan chức cấp cao và công chức sự nghiệp.

Một lượng lớn trong số những người nói trên chịu trách nhiệm điều tra hoặc có liên quan đến các vụ kiện chống lại những doanh nghiệp mà ông Musk lãnh đạo, theo New York Times.

Tỷ phú gốc Nam Phi cũng được cho là đã hưởng lợi từ "cơn mưa" từ chức của các nhà quản lý được bổ nhiệm từ thời ông Joe Biden. Điều này giúp các quan chức thân đảng Cộng hòa chiếm thế đa số trong những cơ quan giám sát các vụ kiện nói trên.

Lùm xùm pháp lý

Các sự kiện chớp nhoáng trong vài tuần qua đã làm dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh những cuộc điều tra nhằm vào các công ty của ông Musk.

Trong số đó, nổi bật là khoản tiền phạt của Cục Hàng không Liên bang Mỹ đối với công ty tên lửa SpaceX của ông Musk vì vi phạm an toàn và vụ kiện của Ủy ban Chứng khoán - Giao dịch (SEC) yêu cầu tỷ phú Musk trả cho chính phủ liên bang số tiền có thể lên đến 150 triệu USD với cáo buộc ông này vi phạm luật chứng khoán liên bang.

Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ (NLRB), một cơ quan giám sát độc lập về quyền của người lao động, đã tiến hành 24 cuộc điều tra về các công ty của ông Musk, theo New York Times.

 Tỷ phú Musk điều hành 6 công ty và nắm trong tay nhiều hợp đồng với chính phủ trị giá hàng chục tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Musk điều hành 6 công ty và nắm trong tay nhiều hợp đồng với chính phủ trị giá hàng chục tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Kể từ tháng 1, Tổng thống Trump đã sa thải 3 viên chức thuộc NLRB, trong đó có một thành viên thuộc ban quản trị, gây cản trở cho quá trình điều tra và đưa ra phán quyết đối với các vụ án liên quan đến công ty của ông Musk.

Bởi lẽ, cho đến khi ông Trump bổ nhiệm thành viên mới, NLRB không thể đưa ra phán định đối với những trường hợp cần ý kiến của ban quản trị, tờ New York Times đưa tin.

Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB), cơ quan có cơ sở dữ liệu phản ánh hàng trăm khiếu nại về công ty xe điện Tesla, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về thu nợ hoặc cho vay, đã bị chính quyền Trump yêu cầu tạm ngưng mọi cuộc điều tra.

CFPB cũng là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát nỗ lực thêm mới phương thức thanh toán vào mạng xã hội X của ông Musk.

"CFPB hãy yên nghỉ", ông Musk viết trên mạng xã hội vào đầu tháng 2.

Tỷ phú Musk và đội ngũ của ông đồng thời sở hữu quyền lực sâu rộng khi có thể xem xét ngân sách chi tiêu và cấu trúc nhân sự của mọi cơ quan thuộc nhánh hành pháp thông qua Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE).

Xung đột lợi ích

Sự xáo trộn tại các cơ quan là một trong những phép thử đầu tiên về nhiều xung đột lợi ích mà ông Musk đã mang đến Nhà Trắng, bao gồm 100 hợp đồng với 17 cơ quan liên bang.

Tỷ phú Musk điều hành 6 công ty, bao gồm Tesla, vốn là một công ty được niêm yết công khai; SpaceX; công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo xAI; Boring Company và Neuralink, công ty đang phát triển các bộ phận cấy ghép máy tính não. Ông Musk đồng thời sở hữu nền tảng mạng xã hội X với tên cũ là Twitter.

Trong 5 năm qua, những công ty của ông Musk đã ký các hợp đồng với tổng trị giá 13 tỷ USD. SpaceX, công ty thu được phần lớn số tiền đó, trở thành một trong những nhà thầu chính phủ lớn nhất.

New York Times đưa tin nội bộ Nhà Trắng đã bắt đầu thảo luận về việc mở rộng các thỏa thuận trên, đặc biệt là các quan chức Không quân.

 Cá nhân ông Musk và Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) nhận về nhiều hoài nghi xoay quanh các xung đột lợi ích. Ảnh: Reuters.

Cá nhân ông Musk và Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) nhận về nhiều hoài nghi xoay quanh các xung đột lợi ích. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Musk từ lâu đã có mối quan hệ không mấy yên bình với các cơ quan trực tiếp giám sát đế chế kinh doanh của ông.

Bản thân CEO Tesla từng gọi SEC là "lũ khốn" và SpaceX cũng đã kiện NLRB khi cho rằng cơ quan này "vi hiến" sau khi NLRB cáo buộc SpaceX đối xử bất công và sa thải một số người lao động một cách bất hợp pháp.

Một số đảng viên Dân chủ trong Quốc hội và các chuyên gia pháp lý đã đặt câu hỏi về vị trí của ông Musk. Họ nói rằng chưa từng ghi nhận trường hợp doanh nhân phải đối đầu với một loạt vấn đề pháp lý và quản lý các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD lại có quyền lực sâu rộng trong chính phủ như ông Musk.

"Vai trò kép của ông Musk không chỉ tạo ra những xung đột lợi ích rõ ràng gây ra rủi ro nghiêm trọng cho các cơ quan đầu não của nước Mỹ mà còn có thể vi phạm luật liên bang", Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của Connecticut nói.

Phát biểu trước báo giới hôm 9/2 (giờ địa phương), Tổng thống Trump nói rằng ông Musk "không nhận được lợi ích gì" từ vai trò hiện tại.

"Nếu Elon Musk gặp phải xung đột lợi ích với các hợp đồng và quỹ mà DOGE đang giám sát thì ông ấy sẽ tự rút lui khỏi vấn đề đó", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/de-che-kinh-doanh-cua-elon-musk-dac-loi-post1530893.html
Zalo