Tổng thống Zelensky: 'Mỹ chưa bao giờ thực sự muốn Ukraine gia nhập NATO'
Tiến trình dẫn tới hòa bình giữa Nga và Ukraine là một trong những nội dung quan trọng,'phủ bóng' Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 được tổ chức tại thủ phủ Bavaria (Đức). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang xuất hiện những rạn nứt nghiêm trọng.
Tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, chỉ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Putin về việc chấm dứt xung đột hiện nay sau khi thống nhất được kế hoạch chung với chính quyền của Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu.
Ukraine đã nhiều lần tuyên bố muốn hợp tác với Mỹ và châu Âu để đưa ra chiến lược chung trước bất kỳ cuộc gặp nào giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Putin.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng sẽ rất "nguy hiểm" khi hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ gặp nhau trước khi gặp ông. Ông Zelensky khẳng định, Ukraine không bao giờ chấp nhận thỏa thuận hòa bình đạt được sau lưng Kiev hoặc không có sự tham gia của quốc gia này.
Trong một phiên thảo luận với các thượng nghị sĩ Mỹ, Tổng thống Zelensky cũng bày tỏ thất vọng khi cho rằng "Mỹ chưa bao giờ thực sự muốn Ukraine gia nhập NATO".

Hội nghị an ninh Munich 2025. Ảnh: RBC
Viện dẫn lý do thiếu các đảm bảo an ninh cần thiết cho Ukraine, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng thẳng thừng tuyên bố từ chối một thỏa thuận khoáng sản quan trọng với Mỹ vốn được thúc đẩy bởi Tổng thống Donald Trump: “Điều đó không phù hợp với lợi ích của chúng tôi ngày hôm nay. Không phù hợp với lợi ích của quốc gia Ukraine có chủ quyền".
Về phía Mỹ, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga Keith Kellogg cho rằng, hiện còn quá sớm để nói khi nào kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Ukraine sẽ sẵn sàng vì chính quyền của Tổng thống Trump chỉ mới nắm quyền được 25 ngày.
Điều điều quan trọng là phải có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Nga: “Điều đó là tích cực, khi xét đến việc ông Biden đã không gọi cho ông Putin trong ba năm Và thực tế là dù có thích hay không, thì vẫn cần các cuộc trao đổi với cả đối tác và đối thủ”.
Cũng theo ông Keith Kellogg, Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình, với Ukraine và Nga là hai nhân vật chính. Khi được hỏi về triển vọng của châu Âu tại bàn đàm phán, ông Kellogg cho rằng “điều đó sẽ không xảy ra”. Ngay sau đó, chính ông Kellogg đã tìm cách trấn an các nước châu Âu với tuyên bố điều này không có nghĩa là “lợi ích của họ không được xem xét”. Dù vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ sẽ không chấp nhận bị loại khỏi các cuộc đàm phán.
Những phát biểu của ông Kellogg gây ra sự hoang mang đối với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu- những người tin rằng an ninh của đất nước họ gắn liền chặt chẽ với số phận Ukraine. Nhiều quan chức châu Âu đưa ra lập trường cứng rắn trước công chúng về lời đề nghị hòa bình của ông Trump với ông Putin. Họ cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng không thể thực hiện nếu châu Âu và Ukraine không tham gia đàm phán.
Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã kêu gọi thành lập một đội quân riêng của châu Âu và Ukraine sẽ đóng vai trò trung tâm, khi đưa ra lập luận rằng lục địa này không còn có thể chắc chắn về sự bảo vệ từ Mỹ và chỉ có thể nhận được sự tôn trọng từ Mỹ với một quân đội mạnh mẽ.