Ukraine sẽ bầu cử tổng thống trong năm 2025?
Chuyên gia cho rằng khả năng Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống trong năm 2025 là rất thấp vì Kiev đang trong một cuộc chiến diễn ra theo hướng 'không thuận lợi'.
Cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine đã bị hoãn lại do cuộc chiến với Nga. Khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ tư, ngày càng có nhiều câu hỏi đặt ra cho Tổng thống Volodymyr Zelensky về vấn đề này, theo đài DW.
Với những câu hỏi liên quan bầu cử tổng thống, ông Zelensky luôn đưa ra cùng một câu trả lời: “Giai đoạn ác liệt của chiến tranh sẽ kết thúc, và khi thiết quân luật được dỡ bỏ, cuộc bầu cử sẽ được công bố”.
Bầu cử ở Ukraine: Một phần trong kế hoạch của ông Trump?
Chủ đề bầu cử tại Ukraine được nhắc đến nhiều hơn sau những phát biểu gần đây của ông Keith Kellogg, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga.
Đầu tháng này, ông Kellogg nói với hãng tin Reuters rằng Mỹ mong muốn Ukraine tổ chức bầu cử, có thể vào cuối năm nay, đặc biệt nếu Kiev đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Moscow trong vài tháng tới. Vị đặc phái viên nhấn mạnh rằng bầu cử là “tốt cho nền dân chủ”.

Ông Keith Kellogg - đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga. Ảnh: THE GUARDIAN
Trên thực tế, một số chính trị gia Mỹ đã kêu gọi Ukraine tổ chức bầu cử từ một năm trước, bất chấp chiến tranh vẫn tiếp diễn. Trong năm qua, Nga cũng liên tục lên tiếng về việc Ukraine chưa tổ chức bầu cử. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần đặt nghi vấn về tính hợp pháp của ông Zelensky, viện dẫn lý do Ukraine đã hủy cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2024.
Hiến pháp Ukraine cấm tổ chức bầu cử trong thời gian thiết quân luật. Đáp lại, Moscow tuyên bố sẵn sàng đàm phán với ông Zelensky, nhưng sẽ không ký thỏa thuận chấm dứt chiến tranh nếu Ukraine chưa tổ chức bầu cử tổng thống.
Điều này làm dấy lên suy đoán rằng bầu cử ở Ukraine có thể là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine dù chi tiết của kế hoạch này vẫn chưa được công bố.
Ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và hiện là chuyên gia tại Viện nghiên cứu Atlantic Council, nói với DW rằng ông không ngạc nhiên trước lập trường của Nga.
Theo ông, đây là một phần trong chiến lược của Moscow nhằm kéo dài quá trình đàm phán kết thúc chiến tranh.
Ông Herbst cũng ca ngợi chính quyền ông Trump vì đã “rất khôn ngoan khi nhận ra rằng lập trường của ông Putin chính là rào cản cho các cuộc đàm phán”. Tuy nhiên, ông Herbst cảnh báo rằng Washington sẽ mắc sai lầm nếu nghĩ rằng có thể sử dụng cuộc bầu cử tại Ukraine như một công cụ thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Nga cương quyết với chuyện bầu cử ở Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP
Nhà bình luận người Đức Winfried Schneider-Deters, một chuyên gia về Ukraine, nêu quan điểm vì sao Nga đưa ra lập trường này. “Dĩ nhiên là người Nga đang thúc đẩy điều này. Họ muốn tạo ra bất ổn trong nội bộ Ukraine trong thời gian tranh cử” - ông Schneider-Deters nói.
Tuy nhiên vị chuyên gia thừa nhận rằng ông “vẫn chưa rõ lợi ích của Mỹ trong chuyện này là gì”.
Ông Schneider-Deters cho rằng Nga đang toan tính sâu xa khi yêu cầu Ukraine phải tổ chức bầu cử tổng thống. Ông cho rằng chính quyền Tổng thống Zelensky không nên nhượng bộ trước bất kỳ sức ép nào từ Washington.
Tuy nhiên, việc Ukraine có thể chống lại áp lực từ Mỹ – quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất và quan trọng nhất cho Kiev – vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Cho đến nay, Tổng thống Zelensky vẫn tránh đưa ra tuyên bố dứt khoát. Ông chỉ nói rằng Ukraine sẵn sàng thỏa hiệp và mong muốn tổ chức bầu cử, nhưng cần hội đủ một số điều kiện nhất định.
Cựu Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Thomas Greminger, cảnh báo về nguy cơ tổ chức bầu cử quá sớm.
“Tôi cho rằng trong tình hình hiện tại, không thể tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng” - ông Greminger nói với DW, chỉ ra rằng một phần lớn lãnh thổ Ukraine hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Ông Greminger cũng nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia từng có trải nghiệm không tốt khi tổ chức bầu cử quá sớm, gồm các nước ở châu Phi, châu Á hay Tây Balkan. “Cần có một mức độ ổn định nhất định và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu không, thay vì củng cố hệ thống, cuộc bầu cử có thể gây ra tác động ngược lại” - ông Greminger lưu ý.
Điều kiện tiên quyết để Ukraine tổ chức bầu cử
Nếu Ukraine tiến hành bầu cử tổng thống trong năm nay, cựu đại sứ John Herbst cho rằng điều này không chỉ gây nguy hiểm cho nền dân chủ mà còn đe dọa an ninh quốc gia Ukraine.
Theo ông Herbst, bầu cử chỉ có thể diễn ra khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Quan trọng nhất là những điều kiện mà một số đồng minh của ông Trump đã từng nhấn mạnh như: tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine, thiết lập vùng phi quân sự và triển khai quân đội châu Âu.
Ông Herbst nhận định rằng nếu có một lệnh ngừng bắn “nghiêm túc” được duy trì, bầu cử sẽ khả thi.
Còn theo ông Greminger, để tổ chức một cuộc bầu cử “tự do và công bằng”, cần đảm bảo quyền tự do đi lại cho cử tri và ứng cử viên - những điều hiện đang bị hạn chế do thiết quân luật.
Ông cho rằng OSCE có thể hỗ trợ giám sát bầu cử, và số lượng quan sát viên có lẽ không cần nhiều hơn so với các kỳ bầu cử trước.
Tuy nhiên, theo ông Greminger, điều quan trọng hơn là sự ổn định chính trị và ở Ukraine hiện tại, điều này vẫn còn “rất xa vời”. Theo ông, thời điểm sớm nhất để tổ chức bầu cử là sau ít nhất sáu tháng ngừng bắn ổn định và có sự giám sát chặt chẽ. Ông Greminger đánh giá khả năng Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống trong năm nay là dưới 1%.
Nhà bình luận Schneider-Deters cũng có quan điểm tương tự. Chuyên gia này cho rằng Ukraine đang trong một cuộc chiến “không diễn ra thuận lợi” đối với Kiev.