Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2025.
Về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); thống nhất sự cần thiết xây dựng luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Nghị quyết yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Dự án luật cần tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả, rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ; giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan ở Trung ương và giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương…
Ngoài ra, phân cấp, phân quyền phải gắn với bảo đảm nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, trong đó lưu ý xác định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn không phân cấp và những nhiệm vụ, quyền hạn cần đẩy mạnh phân cấp hoặc ủy quyền; quy định mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, ủy quyền làm cơ sở pháp lý để Chính phủ quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án luật theo hướng phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Đối với mô hình tổ chức chính quyền ở hải đảo, nghiên cứu quy định nguyên tắc, căn cứ tình hình thực tế Chính phủ quy định việc tổ chức chính quyền cấp xã phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Việc quy định chức năng của các cấp chính quyền phải phù hợp với vị trí, vai trò của mỗi cấp được quy định trong Hiến pháp, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, qua đó tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trên địa bàn.
Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời, kịp thời trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 2.2025.
Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Tư pháp khẩn trương tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan; thẩm định dự án luật để hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội dự án luật này tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 2.2025.
Việc này phải quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trình dự án luật trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua luật; không nhất thiết phải thông qua luật tại 2 kỳ họp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm soát quyền lực, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, xác định những quy định của luật hiện hành còn phù hợp, được thực tiễn kiểm nghiệm, đa số đồng tình, ủng hộ, thực hiện có hiệu quả để kế thừa, quy định tại dự thảo luật; những nội dung sửa đổi, bổ sung cần được thuyết minh, giải trình đầy đủ, rõ ràng, có số liệu, lập luận để bảo đảm tính thuyết phục; việc đề xuất chính sách mới cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của quy định…