Chú trọng thực hành bài học 'Dân làm gốc'
Truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn lấy 'Dân làm gốc', dựa vào dân và phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc.
Thấm nhuần triết lý sâu sắc này, Tỉnh ủy luôn chỉ đạo hệ thống chính trị của tỉnh làm gì cũng phải xuất phát từ lợi ích của người dân, không làm được điều này thì không thể mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đặt mình vào vị trí người dân
Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đang dần được hình thành. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dự án phải hoàn thành trước ngày 31-12-2025 (thay vì tháng 9-2026 như kế hoạch trước đây).
Nhớ lại một thời đi tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho dự án, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Long Thành Lê Văn Trung chia sẻ, những ngày cuối tháng 4-2023 đến cuối tháng 6-2023 là giai đoạn chạy đua nước rút trong công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 Dự án Sân bay Long Thành. Thời điểm này nắng mưa thất thường, khiến đại công trường lúc thì lầy lội, lúc bụi bay mù mịt. Khắc nghiệt là vậy nhưng tuần nào cán bộ tỉnh, huyện và xã Bình Sơn cũng lặn lội đến từng hộ dân còn lại để vận động di dời.
Bụi đỏ bám đầy xe, quần áo, đường đi lại thì khó khăn nhưng ông Trung và tổ công tác vẫn cố gắng len lỏi trên những con đường mòn, tìm đến những hộ dân chưa di dời để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe dân nói và nói cho dân hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thực hiện các công trình, dự án thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Điểm chung của những hộ dân này là lần đầu cán bộ đến nhà, họ sẽ không hợp tác nên phải “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì tuyên truyền, vận động để dân hiểu. Có những hôm trời mưa, đường trơn trượt, cán bộ té ngã quần áo đầy bùn đất...
Ông Trung cho rằng, khi gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, nghe người dân nói, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân, vấn đề người dân phản ánh đúng thì ghi nhận để báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết. Vấn đề người dân hiểu chưa đúng thì giải thích cặn kẽ để người dân hiểu, không được làm khó dân, như thế mới tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
Tương tự, ở thành phố Biên Hòa đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường ven sông Đồng Nai, Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Các dự án này đều chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chưa giải phóng được mặt bằng có phần do nguồn gốc đất đai của người dân không hợp pháp, không rõ ràng, chưa có đất tái định cư để di dời người dân, người dân chưa đồng ý với phương án bồi thường của Nhà nước... Để giải quyết những vướng mắc đó, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Vũ Quốc Thái chia sẻ: “Chúng tôi phải thường xuyên đi thực địa công trình, gặp gỡ người dân, phối hợp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh để tìm giải pháp tối ưu nhất nhằm tháo gỡ những vướng mắc làm cản trở việc thi công các công trình. Làm ban ngày chưa giải quyết xong công việc, chúng tôi làm việc cả ban đêm, nhiều hôm 21-22h mới trở về nhà. Quá trình giải quyết công việc luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết, hạn chế thấp nhất thiệt thòi cho người dân”.
Phó trưởng ban Dân vận Trung ương NGUYỄN LAM cho biết, vừa qua, Ban Dân vận Trung ương có cuộc khảo sát tại Đồng Nai. Khi đi khảo sát ở một số xã, huyện của tỉnh Đồng Nai, người dân cho biết, dù quá trình thực hiện nhiệm vụ của tỉnh còn việc này, việc kia, hiệu quả giải quyết chưa cao nhưng người dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước.
Lắng nghe và giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân
Trước đây, đường Hoàng Văn Bổn (thành phố Biên Hòa) được mệnh danh là “con đường đau khổ” vì đã xuống cấp trầm trọng, trời nắng bụi mù mịt, trời mưa thì ngập, nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Nắm bắt được tình hình, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án BOT.
Sau khi giám sát thực tế con đường này và lắng nghe người dân phản ánh, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường đã chỉ đạo “nóng” Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp chủ đầu tư tuyến đường này cấp tốc sửa chữa. Hiện nay, tuyến đường được thảm nhựa bằng phẳng, không còn những hố sâu trên bề mặt như trước. Việc lưu thông của người dân đã thuận tiện, đi lại an toàn và người dân sinh sống tại khu vực có tuyến đường đi qua rất vui mừng vì không còn chịu cảnh bụi mù mịt như trước.
Để lắng nghe được nhiều ý kiến, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân, năm 2024, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai mô hình dân vận khéo “Buổi sáng với nhân dân”. Vào đầu giờ các ngày làm việc trong tuần, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở dành 60 phút tiếp dân.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, thực hiện mô hình này, thường trực các huyện ủy, thành ủy và thường trực UBND cấp huyện đã tiếp và làm việc với gần 300 lượt công dân; thường trực UBND cấp xã tiếp và làm việc với gần 1,8 ngàn lượt công dân. Nội dung người dân phản ánh thường là tranh chấp đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua tiếp dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã giải thích, vận động, thuyết phục người dân chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ khiếu nại đúng quy định. Những nội dung người dân phản ánh đúng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát hồ sơ, làm rõ nội dung công dân nêu và giải quyết đúng thẩm quyền, quy định pháp luật.
Riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, việc tiếp dân và lắng nghe ý kiến người dân, được đồng chí thực hiện bằng nhiều kênh thông tin như: tiếp dân theo Quy định 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tiếp dân thông qua mô hình “Buổi sáng với nhân dân”; dự tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh; dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư...
Đặc biệt, khi nhận được đơn thư phản ánh của công dân, Bí thư Tỉnh ủy không chỉ mời người dân đến trụ sở tiếp dân để làm việc, mà còn trực tiếp đi khảo sát thực địa về nội dung theo đơn phản ánh của công dân. Đơn cử như tháng 12-2024, khi nhận được đơn của ông Đinh Ngọc Hoàng Hiệt (ngụ phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) kiến nghị về việc xin giữ nguyên hiện trạng đường đi công cộng qua thửa đất số 62, tờ bản đồ 60, thuộc khu phố Nhị Hòa (phường Hiệp Hòa) khi thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng bờ kè sông Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy đã đi khảo sát thực địa về nội dung công dân phản ánh.
Gặp Bí thư Tỉnh ủy, ông Hiệt trình bày, con đường này được gia đình ông gia cố hơn 2 tỷ đồng, rộng 8m và dài hơn 20m (chứ không phải rộng 3,55m như trong văn bản thu hồi đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Biên Hòa). Đây cũng là lối đi duy nhất vào nhà ông.
Sau khi xem xét thực địa, ghi nhận ý kiến công dân cùng các thành viên trong đoàn và các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc thu hồi đất phục vụ dự án, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu địa phương, đơn vị chủ đầu tư dự án xử lý dứt điểm kiến nghị của công dân, trên tinh thần hài hòa lợi ích, tránh thiệt hại cho người dân đã nhường đất phục vụ dự án.
Thực hiện nghiêm túc việc nêu gương, lời nói gắn liền với hành động, trọng dân, thực lòng vì dân, chăm lo cho dân, đề cao quyền làm chủ của nhân dân từ đội ngũ lãnh đạo đứng đầu của tỉnh đã thôi thúc các cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến tỉnh thường xuyên nâng cao chất lượng tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Những việc làm thiết thực này đã góp phần giải tỏa bức xúc từ phía người dân, tạo sự đồng thuận cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.