Để các nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả

Năm 2024, trên địa bàn Đồng Nai có 4 nghiệp đoàn cơ sở được thành lập. Các nghiệp đoàn đã giúp nhiều người lao động (NLĐ) ở khu vực phi chính thức có nơi sinh hoạt và thêm chỗ dựa lúc khó khăn.

Nghiệp đoàn cơ sở Du lịch và vận tải thành phố Biên Hòa tặng quà Tết cho đoàn viên. Ảnh:C.Đ

Nghiệp đoàn cơ sở Du lịch và vận tải thành phố Biên Hòa tặng quà Tết cho đoàn viên. Ảnh:C.Đ

Tuy nhiên, theo các cán bộ Công đoàn, để nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả, cần có những quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao vai trò của nghiệp đoàn, từ đó thu hút nhiều lao động phi chính thức tham gia tổ chức Công đoàn.

Chăm lo thiết thực cho đoàn viên

Tháng 7-2024, Nghiệp đoàn cơ sở Du lịch và vận tải thành phố Biên Hòa được thành lập với 17 đoàn viên. Đây là nghiệp đoàn đầu tiên trên địa bàn Biên Hòa được thành lập nhằm tập hợp lao động tự do vào tổ chức Công đoàn. Qua quá trình hoạt động, NLĐ thêm gắn kết; được bảo đảm quyền lợi và chăm lo, tạo điều kiện tham gia sinh hoạt Công đoàn. Ngoài ra, các đoàn viên hỗ trợ nhau trong công việc để có thu nhập ổn định hơn.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Biên Hòa, sau gần 8 tháng thành lập, Nghiệp đoàn cơ sở Du lịch và vận tải thành phố Biên Hòa đi vào hoạt động ổn định, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống đoàn viên và tích cực phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách an sinh xã hội cho NLĐ; cùng với đó, trao đổi, học hỏi giao lưu để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trong lái xe. Dịp Tết vừa qua, nghiệp đoàn tổ chức họp mặt, tặng quà những động viên khó khăn.

Năm 2025, chỉ tiêu phát triển đoàn viên nghiệp đoàn chiếm khoảng 10% trong tổng chỉ tiêu phát triển đoàn viên Công đoàn. Tuy nhiên, để thu hút lao động tự do gia nhâp Công đoàn, tổ chức Công đoàn cần hỗ trợ giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn... Đặc biệt, hướng dẫn NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện để được chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an sinh khi hết độ tuổi lao động.

Tương tự, Nghiệp đoàn Xe ôm do LĐLĐ huyện Trảng Bom thành lập năm 2024 đã tạo điều kiện cho 30 đoàn viên hành nghề xe ôm có điều kiện sinh hoạt, giao lưu. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm, cho biết: “Chúng tôi đều là những lao động lớn tuổi, chạy xe ôm lâu năm. Khi gia nhập nghiệp đoàn, NLĐ được hỗ trợ chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi. Đặc biệt, chúng tôi có trách nhiệm với nghề, tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông đường bộ và cùng nhắc nhở nhau đảm bảo an toàn trong quá trình hành nghề”.

Bà Trần Thị Hồng Thảo, Chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom, cho biết Nghiệp đoàn Xe ôm được thành lập nhằm quản lý nhóm lao động nghề nghiệp đặc thù; đồng thời chia sẻ khó khăn để lao động tự do yên tâm với nghề. Hiện nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả, đoàn kết và trong hành nghề, họ xây dựng được thói quen giữ văn hóa giao thông, đối xử, giao tiếp lịch thiệp với khách hàng. Để chăm lo cho NLĐ, dịp Tết Ất Tỵ 2025, LĐLĐ huyện đã tổ chức gặp gỡ, trao tặng 30 phần quà cho đoàn viên và động viên NLĐ đảm bảo sức khỏe, cùng hỗ trợ nhau để công việc thuận lợi, ổn định thu nhập, đời sống.

Tạo điều kiện để nghiệp đoàn hoạt động

Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo quy định về tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn cơ sở với sự tham gia của gần 100 cán bộ Công đoàn chuyên trách khu vực phía Nam cùng các nghiệp đoàn cơ sở. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện cả nước có trên 1 ngàn nghiệp đoàn với gần 92 ngàn đoàn viên. Năm 2024, lần đầu tiên việc thành lập nghiệp đoàn được đưa thành chỉ tiêu trong công tác phát triển đoàn viên, qua đó đã có gần 500 nghiệp đoàn được thành lập với gần 50 ngàn đoàn viên.

Tại hội thảo, các đại biểu cho hay, nhờ những hoạt động thiết thực, mô hình nghiệp đoàn đã trở thành điểm tựa của NLĐ phi chính thức ở các ngành nghề. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chỉ ra 2 trở ngại lớn hiện nay là vấn đề tài chính và việc tập hợp đoàn viên. Đối tượng gia nhập nghiệp đoàn đa số là NLĐ tự do, nơi ở, việc làm không ổn định, do vậy việc tập hợp gặp rất nhiều khó khăn.

Các cán bộ Công đoàn cho rằng, hoạt động nghiệp đoàn gặp nhiều trở ngại do đoàn viên không có quan hệ lao động nên không có nguồn thu từ kinh phí Công đoàn; việc đóng đoàn phí cũng không đồng đều do hoàn cảnh của đoàn viên đều khó khăn. Do đó, cần có hướng dẫn về công tác tài chính cho nghiệp đoàn; quy định về tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn phù hợp với Luật Công đoàn 2024. Công đoàn cấp trên cần quan tâm, giới thiệu các chương trình hỗ trợ vốn, việc làm. Đối với những đoàn viên ưu tú nên được xem xét khen thưởng hoặc giới thiệu để bồi dưỡng, kết nạp Đảng nhằm tạo động lực phấn đấu.

Đồng Nai là địa phương thu hút lực lượng lớn lao động phi chính thức ở nhiều ngành nghề. Để những lao động này có nơi sinh hoạt, các cấp Công đoàn đang đẩy mạnh việc thành lập nghiệp đoàn cơ sở nhằm tập hợp lao động tự do gia nhập tổ chức Công đoàn. Việc tìm các giải pháp để phát triển nghiệp đoàn, thu hút đoàn viên gia nhập nghiệp đoàn rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho Công đoàn Đồng Nai trong nhiệm kỳ 2023-2028.

Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bùi Thị Bích Thủy cho biết, LĐLĐ tỉnh mong muốn các đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở sẽ đồng hành cùng với nghiệp đoàn đi vào hoạt động ổn định, thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, NLĐ, nhất là thường xuyên giúp đỡ, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần, việc làm, thu nhập của đoàn viên, NLĐ.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202502/de-cac-nghiep-doanhoat-dong-hieu-qua-0b146a3/
Zalo