Doanh nghiệp thép hưởng lợi ra sao khi áp thuế chống bán phá giá?

Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc. Vậy doanh nghiệp thép trong nước sẽ được lợi gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: Tập đoàn Hòa Phát

Ảnh minh họa. Nguồn: Tập đoàn Hòa Phát

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19,38 - 27,83%. Trong khi đó, thép HRC nhập từ Ấn Độ được miễn trừ do tỉ lệ nhập khẩu không đáng kể. Theo quyết định này, hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế 19,38 - 27,83%, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi ban hành và áp dụng trong vòng 120 ngày.

Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động từ hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá, nhưng do tỉ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể, dưới 3%. Vì vậy theo quy định tại khoản 3 điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Theo số liệu thống kê từ hải quan, trong năm 2024 lượng nhập khẩu thép cán nóng đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương khởi xướng điều tra vào tháng 7/2024, lượng thép nhập từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng đáng kể, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thị trường nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng này, Bộ Công thương đã quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm kiểm soát tốc độ gia tăng nhập khẩu và bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất ước đạt khoảng 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, ngành thép đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn…

Trước thông tin áp dụng thuế CBPG, hầu hết cổ phiếu thép đều phản ứng tích cực dù thị trường chung mở cửa khá rung lắc. Tuy nhiên, tăng giá mạnh nhất là cổ phiếu TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam gần 7% lên 9.400 đồng/cp. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng hơn 5% lên 27.750 đồng/cp, có lúc chạm trần. Các cổ phiếu khác như SMC, NKG, HSG, GDA chỉ tăng 2% - 4%.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá việc áp thuế CBPG sẽ khiến thép Trung Quốc khó cạnh tranh với sản phẩm nội địa, qua đó giúp Hòa Phát gia tăng sản lượng tiêu thụ. Đặc biệt, khi dự án Dung Quất 2 sắp hoàn tất giai đoạn chạy thử, HPG có thể tận dụng lợi thế này để mở rộng quy mô sản xuất. Dự kiến, khi vận hành tối đa công suất trong 2-3 năm tới, doanh thu Hòa Phát có thể đạt 175.000-200.000 tỷ đồng/năm, với lợi nhuận sau thuế ước tính từ 20.000-25.000 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp cổ phiếu HPG duy trì đà tăng trưởng bền vững.

SSI Research cũng khuyến nghị duy trì mua đối với cổ phiếu của HPG, khi điều chỉnh ước tính và giá mục tiêu lên 33.500 đồng/cổ phiếu (từ 31.700 đồng/cổ phiếu), dựa trên mục tiêu P/E và EV/EBITDA không đổi lần lượt là 15x và 8x cho năm 2025.

Việc Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ giúp bảo vệ ngành thép nội địa mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước. Cùng với sự phục hồi của bất động sản, xu hướng giá thép tăng và tiềm năng mở rộng xuất khẩu, Hòa Phát đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế đầu ngành.

Ngược lại, VPBankS cho rằng các doanh nghiệp tôn mạ phụ thuộc vào HRC nhập khẩu như Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Thép Nam Kim (NKG) sẽ chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên nhóm các công ty này đã chủ động giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa nguồn HRC đầu vào.

Hơn nữa, từ báo cáo tài chính quý 4/2024, đơn vị phân tích nhận thấy các doanh nghiệp đang ghi nhận giá trị tồn kho nguyên vật liệu cùng hàng mua đi đường ở mức cao hơn so với trung bình, cho thấy dấu hiệu tích trữ trước HRC đầu vào trước khi quyết định CBPG được công bố.

Vì vậy trong ngắn hạn, VPBankS cho rằng tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp như HSG, NKG sẽ không đáng kể. Trong dài hạn, các doanh nghiệp tôn mạ sẽ phải chấp nhận sử dụng HRC nội địa hoặc nhập khẩu từ những nguồn khác Trung Quốc với giá HRC cao hơn giá HRC Trung Quốc.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-thep-huong-loi-ra-sao-khi-ap-thue-chong-ban-pha-gia-96789.html
Zalo