Chính quyền Tổng thống Trump sẽ cắt giảm 2.000 nhân sự USAID tại Mỹ
Ngày 24/2, theo tờ The Guardian, chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ cắt giảm khoảng 2.000 vị trí của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Mỹ, đồng thời cho phần lớn nhân viên trên toàn thế giới nghỉ phép có lương.

Quốc kỳ Mỹ và cờ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại trụ sở của USAID ở Washington, D.C. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục siết chặt các chương trình viện trợ nước ngoài, làm dấy lên nhiều tranh cãi trong giới chính trị và chuyên gia.
Thông báo gửi đến nhân viên cho biết từ 11h59 trưa 24/2 (theo giờ Việt Nam), tất cả nhân viên USAID, trừ những người phụ trách nhiệm vụ quan trọng hay các chương trình đặc biệt, sẽ nghỉ hành chính. Cùng với đó, USAID bắt đầu quá trình tinh giản biên chế và cắt giảm khoảng 2.000 nhân sự tại Mỹ.
Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về quyết định này. Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk thể hiện sự ủng hộ khi đăng trên mạng xã hội rằng ông đang thúc đẩy cải tổ USAID. Ông Musk nhận định USAID có vai trò quan trọng trong chiến lược "quyền lực mềm" của Mỹ và ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Trước đó, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết có lợi cho chính quyền Tổng thống Trump, mở đường để ông Musk yêu cầu hàng nghìn nhân viên USAID nghỉ phép, bất chấp sự phản đối từ các nghiệp đoàn viên chức chính phủ.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chưa đưa ra phản hồi chính thức. Tuy nhiên, nhiều cựu quan chức USAID bày tỏ lo ngại về tác động của quyết định này. Bà Marcia Wong - một cựu quan chức cấp cao của USAID - cho rằng việc cắt giảm nhân sự có thể ảnh hưởng đến khả năng phản ứng nhanh của Mỹ trước các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Bà nhấn mạnh rằng trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa hay di cư hàng loạt, các chuyên gia USAID là những người có mặt đầu tiên để triển khai viện trợ.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh tạm dừng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày và ngừng tài trợ cho nhiều chương trình nhân đạo, bao gồm cứu trợ nạn đói, hỗ trợ y tế và cung cấp nơi trú ẩn cho người tị nạn. Chính quyền của ông cũng đưa ra cáo buộc rằng nhiều khoản chi tiêu bị thổi phồng và không hiệu quả.
Theo tài liệu từ một số nguồn tin, dù lệnh tạm dừng được ban hành nhưng chính quyền Tổng thống Trump vẫn phê duyệt các ngoại lệ có trị giá lên tới 5,3 tỷ USD, chủ yếu dành cho các chương trình an ninh và chống ma túy. Trong khi đó, các chương trình của USAID chỉ nhận được chưa tới 100 triệu USD tiền miễn trừ, thấp hơn đáng kể so với mức tài trợ khoảng 40 tỷ USD mỗi năm trước đây.