ĐBQH Trần Quốc Tuấn: Kiến nghị cần quy định rõ 'phân cấp, phân quyền' để khơi thông, khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển

Đất nước đang đứng trước một thời khắc quan trọng, đang tiến vào một kỷ nguyên mới, để hướng đến mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, và 20 năm sau này, mục tiêu ấy có trở thành hiện thực hay không, phần lớn là do những quyết sách của Quốc hội chúng ta ngày hôm nay.

Tiếp theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 14/02 Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về 02 nội dung: Bộ trưởng Công thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tham gia thảo luận, kến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng.

Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và các dự án Luật, Nghị quyết trình tại kỳ họp này cơ bản đã đáp ứng được 03 yêu cầu cấp thiết hiện nay: (1) phục vụ cho công tác đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; (2) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế, pháp luật; phát huy hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (3) triển khai thực hiện ngay “Tư duy mới trong xây dựng pháp luật”, đó là ‘‘Luật chỉ quy định những nội dung cơ bản, quan trọng, có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội” để bảo đảm tính ổn định lâu dài, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn… sau khi Luật được ban hành.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia góp ý 03 nội dung sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ

Một là, đồng tình với việc bổ sung 04 điều có nội dung mới, từ Điều 6 đến Điều 9 vào dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) so với Luật hiện hành, ĐBQH Trần Quốc Tuấn quan tâm đến nội dung phân quyền đuợc nêu tại Điều 7; tại khoản 6, Điều 7 quy định “Chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền… xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết”.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được Luật hóa, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hảm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tổ chức triển khai thực hiện thông suốt và hiệu quả các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn… Bởi lẽ trong thực tế thời gian qua, lãnh đạo nhiều địa phương đã có văn bản đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất trực tiếp tại các cuộc họp của Đoàn công tác lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến làm việc với các địa phương… Sau đó, có thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, nhà nước tại các cuộc họp đó, nhưng cũng không thể triển khai thực hiện được, với lý do là đại diện các cơ quan có thẩm quyền cho rằng những nội dung đó chưa được quy định phân quyền cho địa phương thực hiện. Cuối cùng, “điểm nghẽn cũng chỉ là điểm nghẽn

ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề xuất cần bổ sung vào Điều 18 của Dự thảo Luật về Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, nội dung “trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này”. Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được khơi thông và các nguồn lực mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng.

Hai là, đề xuất cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục tập trung rà soát thật kỹ các nội dung của dự án Luật này với các dự án Luật, Nghị quyết được trình trong cùng kỳ họp, nhất là giữa Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao. Vì đây là 01 trong 04 dự án Luật rất quan trọng được trình Quốc hội trong kỳ họp này, nhưng hồ sơ được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn và chuyển cho Đại biểu quốc hội nghiên cứu đóng góp trong thời gian cực kỳ ngắn, điều này làm cho Đại biểu quốc hội rất lo lắng về sự mâu thuẫn, chồng chéo có thể xảy ra

Mặt khác, theo chương trình kỳ họp, sáng nay (14/02) Quốc hội sẽ thảo luận góp ý kiến, sau đó đến sáng ngày 18/02 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua để Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 01/3/2025. Như vậy, chỉ còn 3,5 ngày để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và trình dự án Luật, phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, vừa chỉnh sửa, vừa tiếp thu, giải trình để hoàn thiện trình Quốc hội biểu quyết. Đây là một thách thức rất lớn, rất khó và rất áp lực, nhưng chúng ta cũng sẽ quyết tâm làm.

Ba là, để Luật sớm được thực thi và đi vào cuộc sống, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề xuất Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương sớm ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các Luật được thông qua tại kỳ họp này. Đặc biệt là cần ban hành một Nghị định quy định về “phân cấp, phân quyền” theo hướng rõ ràng, minh bach và chặt chẽ để các “chủ thể phân cấp, phân quyền” và “chủ thể được phân cấp, phân quyền” dễ dàng triển khai thực hiện thông suốt, hiệu quả. Bởi lẽ, nếu chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra, đó là đưa bộ máy mới… vừa được sắp xếp đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8,0% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số từ năm 2026.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: đất nước ta đang đứng trước một thời khắc quan trọng, đang tiến vào một kỷ nguyên mới, để hướng đến mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và 20 năm sau này, mục tiêu ấy có trở thành hiện thực hay không, phần lớn là do những quyết sách của Quốc hội chúng ta ngày hôm nay.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-nuoc/dbqh-tran-quoc-tuan-kien-nghi-can-quy-dinh-ro-phan-cap-phan-quyen-de-khoi-thong-khai-thac-hieu-qua-cac-nguon-luc-phat-trien-43609.html
Zalo