ĐBQH Phan Xuân Dũng: Tuyển được công chức tốt là rất khó nhưng rất quan trọng

Theo ĐBQH Phan Xuân Dũng, để tuyển được công chức tốt, có tài năng là rất khó, nhưng rất quan trọng. Do đó phải có chính sách phát triển và khuyến khích giới thiệu người tài năng.

Chiều 7/5, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội họp ở Tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng tham gia ý kiến vào các Dự án Luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng tham gia ý kiến vào các Dự án Luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Việc tuyển dụng còn mang tính cào bằng

Tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận, ĐBQH Phan Xuân Dũng, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bày tỏ sự thống nhất cao và tin tưởng vào trách nhiệm, nhiệt huyết của cơ quan soạn thảo đối với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Đối với Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh Dự án mang tính chất rất quan trọng vì sẽ quyết định chất lượng công vụ, chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính góp phần phát triển đất nước trong tương lại.

“Chọn đúng người, đúng việc để trở thành công chức là điều rất cần thiết. Qua đây sẽ tránh được tình trạng sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về trong đội ngũ cán bộ, công chức vì những người này không biết làm gì cả”, ĐBQH Phan Xuân Dũng nói và khẳng định Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ là thước đo bản lề để xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Phan Xuân Dũng, Dự án Luật cần bổ sung một số vấn đề mang tính định hướng, cụ thể hơn.

Theo đó, tại điều 5, chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, cần phải mang tính định hướng để sau này Chính phủ triển khai thuận lợi hơn.

“Những người tài, người giỏi này phải từng trải qua hoạt động công vụ thì mới biết người đó có tài năng trong hoạt động công vụ, chứ chưa hoạt động thì không thể biết được. Có nghĩa là muốn biết được điều này cần phải dựa vào CV, sơ yếu lý lịch hoặc đánh giá, nhận xét của cơ quan tổ chức mà họ đã trải qua. Trường hợp là đối tượng mới bắt đầu vào sự nghiệp thì nên có một ý bổ sung là dựa vào cơ sở đào tạo người ứng cử vào công chức”, ĐBQH Phan Xuân Dũng đưa ra ý kiến.

 Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng tại phiên thảo luận ở tổ chiều 7/5.

Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng tại phiên thảo luận ở tổ chiều 7/5.

Đại biểu đoàn tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, hiện nay việc tuyển dụng còn mang tính cào bằng. Tức là cứ tốt nghiệp Đại học, ra trường thì bằng cấp trường nào cũng giống nhau. Khi nhận công việc cũng lương bằng nhau. Bài học ở những đất nước phát triển cho thấy, việc tuyển chọn nhân lực rất chặt chẽ, họ ưu tiên tuyển dụng người học tập và tốt nghiệp tại các trường có vị trí, vị thế và có đẳng cấp. Kể cả khi tuyển vị trí lãnh đạo cao cấp hay vào bộ máy chính quyền thì bắt buộc người được tuyển phải học, tốt nghiệp ở những trường này. Do đó, khi tuyển dụng, trả lương cần phải xem xét đến yếu tố cơ sở giáo dục, đào tạo.

Phải rất linh hoạt trong phát hiện nhân tài

Đối với điều 22 - Nguyên tắc tuyển công chức, ĐBQH Phan Xuân Dũng cho rằng, để tuyển được công chức tốt, có tài năng như ta mong muốn là rất khó nhưng rất quan trọng. Do đó phải có chính sách phát triển những người trở thành công chức tốt, công chức tài năng và khuyến khích người giới thiệu người tài năng, người giỏi. Tuy nhiên, cần phải sàng lọc để tránh tình trạng chỉ giới thiệu người quen, giới thiệu người xin chỗ khác không nhận. Do đó, người giới thiệu cũng phải có quy định về trách nhiệm.

“Nên có cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”, ĐBQH Phan Xuân Dũng nói và dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phải phát hiện ra người tài để dùng người tài.

ĐBQH Phan Xuân Dũng cũng nhấn mạnh, trên cơ sở đã phát hiện ra rồi thì không được để người tài, người giỏi vật lộn mãi mà không vào được bộ máy hành chính. Ngoài ra, khi đã phát hiện được người tài thì cán bộ tổ chức của cơ quan đó cần phải chủ động làm các thủ tục chứ không phải cứ bắt họ nộp hết hồ sơ này, hồ sơ nọ. Do đó cần phải rất linh hoạt trong vấn đề phát hiện nhân tài. Phải tìm mọi cách để làm thủ tục cho họ thì họ mới cảm thấy được trọng dụng, tôn vinh và đồng ý về làm việc.

“Những người tài, người giỏi rất muốn vào các cơ quan công quyền để được cống hiến. Nếu họ vào được thì những chính sách, những hoạt động công vụ sẽ rất tốt, khác hẳn với hiện nay vì bộ máy mới đã được sàng lọc, tinh gọn và chất lượng cao hơn”, ĐBQH Phan Xuân Dũng nói.

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dbqh-phan-xuan-dung-tuyen-duoc-cong-chuc-tot-la-rat-kho-nhung-rat-quan-trong-2102970.html
Zalo