ĐBQH HÀ THỊ NGA: QUAN TÂM GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG, NHẤT LÀ LAO ĐỘNG NỮ SAU KHI MẤT VIỆC

Trước thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường những tháng đầu năm 2023 tăng trên 25% so với cùng kỳ, khiến số lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động nữ mất việc làm, đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ sau khi mất việc làm.

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp ghi nhận nỗ lự của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm và có nhiều cải thiện. Một số chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đạt hoặc dự kiến đạt được vào năm 2025, tiêu biểu là các chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế, lao động.

Với góc độ là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đối với vấn đề việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ sau khi bị mất việc.

Theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng năm 2023 giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78,9 nghìn doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn doanh nghiệp). Điều này đồng nghĩa với số người lao động mất việc làm và mất thu nhập tăng lên, đặc biệt tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp ngừng hoạt động, cắt giảm lao động chủ yếu thuộc các ngành gia dày, dệt may, với đặc thù lao động nữ chiếm tỷ lệ rất cao, đa phần là lao động có trình độ phổ thông, độ tuổi trên 40, nên cơ hội tìm việc làm mới rất khó khăn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu tình trạng người lao động bị giảm việc, mất việc trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động có xu hướng tăng, tại thời điểm 01/4/2023 chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm trước (ngành dệt giảm 3,5%, ngành may giảm 5,2%, ngành da, ngành gỗ giảm 6,1%...). Số liệu về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và tình hình người lao động trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Thời gian qua, Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động như kết nối, giới thiệu việc làm, có nơi đã dành cho lao động nữ những quan tâm riêng như không chấm dứt hợp đồng đối với người đang mang thai, nghỉ thai sản, con dưới 12 tháng tuổi; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có nghị quyết về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng…

Đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, đây chỉ là những giải pháp tình thế và đây vẫn là vấn đề nan giải trong thời gian tới, khi đơn hàng của các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu tích cực. Cơ hội việc làm đối với lao động nữ trên 40 tuổi sau khi bị mất việc hết sức khó khăn và họ có nguy cơ phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát để có đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường ở các loại hình doanh nghiệp nào, ở lĩnh vực nào là chủ yếu, để từ đó có giải pháp hỗ trợ vực dậy, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp không còn sức chống chịu, phải rời khỏi thị trường.

Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đối với vấn đề việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ sau khi bị mất việc.

Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đối với vấn đề việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ sau khi bị mất việc.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (trước đây đã triển khai nhưng nay kết thúc chương trình, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ triển khai cho chương trình tiếp theo); có chương trình dành riêng cho đối tượng là lao động nữ để chuyển đổi nghề sau khi bị mất việc làm.

Triển khai các chương trình dạy nghề phù hợp với các cấp độ đào tạo cho lao động nữ; chú trọng việc cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới cho các nghề truyền thống, nghề thu hút nhiều lao động nữ. Tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm chủ động cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ ở khu vực nông thôn, phụ nữ độ tuổi trung niên. Bên cạnh đảm bảo thực hiện tốt trợ cấp mất việc làm, tập trung hỗ trợ kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc; có các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp giúp họ có việc làm lâu dài.

Chính quyền các cấp có giải pháp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước…

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76202
Zalo