ĐBQH: Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa lên 200 triệu đồng

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (ĐBQH Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, mức phạt 200 triệu đồng mới giải quyết được bài toán tăng sức răn đe. Đặc biệt, với các hành vi như đi ngược chiều trên cao tốc.

Chiều 16/5, Quốc hội nghe thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Tăng phạt để không còn "nhờn" luật

Nêu ý kiến thảo luận, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (ĐBQH Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, qua 14 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn một số bất cập, trong đó, có mức phạt tiền. Thực tế, tình trạng "nhờn" luật hay cố tình vi phạm luật trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra ở một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (ĐBQH Đoàn Đắk Lắk). (Ảnh: Media Quốc hội)

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (ĐBQH Đoàn Đắk Lắk). (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu cho rằng, mức phạt tiền của Luật hiện hành, kể cả Nghị định 168 của Chính phủ chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe: "Chúng ta thấy rằng, trong một số quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa theo luật hiện hành còn thấp, chỉ 75 triệu đồng".

Đặc biệt, đối với những trường hợp vi phạm với tính chất, mức độ nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm. Thực tế, các phương tiện truyền thông đã phản ánh rất nhiều trường hợp lái xe cố tình đi ngược chiều trên đường cao tốc, nơi có số lượng phương tiện tham gia giao thông rất cao, cường độ lớn và tốc độ rất nhanh. Do vậy, nếu xảy ra va chạm thì hậu quả khi sẽ rất nghiêm trọng.

Đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đại biểu đoàn Đắk Lắk đề nghị tăng mức phạt từ 75 triệu đồng lên đến 200 triệu đồng: "Tôi cho rằng, như vậy, chúng ta mới giải quyết được bài toán tăng sức răn đe. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông".

Đối với lĩnh vực dữ liệu, hiện Quốc hội đang cho ý kiến về Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng "mức thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng kha khá", và đặc biệt là trước yêu cầu về quản lý nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với quy mô và tốc độ rất cao, dữ liệu đã được xác định trở thành một nguồn tài nguyên mới của đất nước và là tư liệu sản xuất rất quan trọng, là động lực phát triển mới của các quốc gia.

Do đó, việc kết nối, khai thác, chia sẻ và sử dụng dữ liệu trái quy định chắc chắn sẽ mang đến những ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và tác động đến quyền con người, quyền công dân.

"Nếu chúng ta chỉ quy định mức phạt tiền tối đa ở mức 200 triệu đồng, tôi cho rằng cũng chưa đủ mạnh. Vì vậy, tôi đề nghị tăng lên, có thể tăng mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực dữ liệu lên khoảng 500 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về dữ liệu", bà Xuân nêu đề xuất.

Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. (Ảnh: Media Quốc hội)

Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. (Ảnh: Media Quốc hội)

Cân nhắc tăng phạt gấp 4 lần với vi phạm không bị lập biên bản

Tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên) dẫn khoản 1 Điều 56 theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (tăng 4 lần, từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức).

"Việc lập biên bản có ý nghĩa quan trọng là căn cứ để xác nhận hành vi vi phạm của người vi phạm và ghi nhận các tình tiết của vụ việc vi phạm. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ nên áp dụng đối với những vi phạm giản đơn, lỗi vi phạm nhẹ", đại biểu An Xuân nói.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cho rằng, cần cân nhắc các vấn đề về điều kiện kinh tế - xã hội, bảo đảm yêu cầu ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính để đưa ra hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.

Vì vậy, bà Xuân đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng đối với quy định này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-de-xuat-tang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-toi-da-len-200-trieu-dong-post1199975.vov
Zalo