Đề xuất phạt tới 200 triệu đồng/lỗi vi phạm giao thông: ĐBQH lo 'bán xe không đủ tiền nộp'

Bên cạnh các đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên cao nhất 200 triệu đồng mới đủ sức răn đe, nhiều đại biểu Quốc hội lại lo dân không đủ tiền đóng phạt.

Thảo luận ở tổ chiều nay (16/5) về dự Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn thấp với mức phạt tối đa 75 triệu đồng. Điều này chưa đủ sức răn đe, thậm chí gây tình trạng "nhờn luật", có người cố tình vi phạm luật, điển hình như việc nhiều lái xe đi ngược chiều trên cao tốc.

"Đường cao tốc có số lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn đi với tốc độ rất nhanh, chỉ một xe đi ngược chiều gây va chạm rất là nghiêm trọng", bà Xuân nói và đề nghị điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này từ 75 triệu đồng lên 200 triệu đồng, để tạo sức răn đe.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại tổ chiều nay. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại tổ chiều nay. (Ảnh: Quochoi.vn)

Nữ đại biểu góp ý thêm, tăng mức tiền phạt lên cao cũng cần tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông vì đây mới là biện pháp mang tính bền vững.

Không đồng tình với đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ lên 200 triệu đồng như đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phân tích, chiếc ô tô điện hiện nay cũng chỉ hơn 200 triệu đồng, lương cán bộ, công chức có mười mấy triệu đồng, nếu tăng mức phạt tối đa lên 150-200 triệu là không hợp lý.

"Nhiều khi đi đường họ có chút sao nhãng nghĩ về công việc, thậm chí không nhìn đèn đỏ, cứ đi theo xe phía trước thôi cũng có thể vô tình sai luật. Mức phạt cao quá, nói thật người dân cũng rất băn khoăn", nữ đại biểu tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nếu tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 hay 200 triệu đồng, sẽ xảy ra trường hợp, tài xế vi phạm phải bán xe để có tiền nộp phạt, đôi khi còn không đủ tiền.

"Tôi đồng ý mức phạt nghiêm để trừng trị, phòng ngừa, răn đe nhưng phải tính đến điều kiện cụ thể, thu nhập của mỗi người dân", ông Hòa nêu quan điểm.

Ông cũng dẫn chứng thêm thực tế có những trường hợp tiền phạt cao quá, cao hơn cả giá trị xe nên tài xế bỏ xe luôn. "Cần phải hiểu có những trường hợp xe là phương tiện lao động, sinh nhai của gia đình nên tăng mức phạt tối đa cần cân nhắc. Xử phạt phải nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh người vi phạm, để không dám, không muốn, không gây ra vi phạm, nhưng cũng phải tính tới túi tiền của người dân", ông Hòa nhấn mạnh.

Dự Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng soạn thảo. Trong đó, đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành với các lĩnh vực: phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng...

Ban soạn thảo cho rằng, việc tăng nặng mức phạt để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Việc này cũng đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực "nóng", xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua.

Dự luật cũng bổ sung nội dung "với địa bàn thành phố Hà Nội, khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương, mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm".

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/de-xuat-phat-toi-200-trieu-dong-loi-vi-pham-giao-thong-dbqh-lo-ban-xe-khong-du-tien-nop-ar943572.html
Zalo