'Xử phạt 1 triệu đồng mà không lập biên bản, người dân khiếu nại thì sao?'
Chiều 16-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đề xuất của Chính phủ, sửa đổi Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa. Theo đó, tăng từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu thảo luận tại tổ
Cơ quan soạn thảo lý giải mức tăng này để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm hiện nay so với trước đây.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội, bày tỏ băn khoăn về nội dung này. Ông lo ngại khi tăng mức xử phạt vi phạm hành chính mà không cần lập biên bản, có nguy cơ xảy ra sự tùy tiện của cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Mặt khác, khi xử phạt mà không lập biên bản đối với cá nhân, khi người bị xử phạt khiếu nại, sẽ gặp khó khăn trong xử lý cho cơ quan chức năng. "Phạt tiền 1 triệu đồng mà không lập biên bản, khi người dân khiếu nại thì sao?"- đại biểu Nguyễn Hữu Chính đặt vấn đề.
Ông cũng nhìn nhận mức phạt 1 triệu đồng là lớn đối với người dân, ngay thời điểm bị xử phạt có thể họ chấp hành, nhưng sau đó họ khiếu nại thì rất khó giải quyết khi không lập biên bản hành vi vi phạm.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề xuất khi xử phạt vi phạm hành chính, dù mức phạt lớn hay nhỏ, cần thiết phải lập biên bản vi phạm hành chính, để tạo thuận lợi cho cả phía người thực hiện xử lý vi phạm và người bị xử lý vi phạm.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong việc xác định các hành vi vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính. Ngoài ứng dụng công nghệ thông tin, cần mở rộng, quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, qua thực tiễn, việc xử phạt vi phạm hành chính trên đất liền khác với trên biển, nếu không áp dụng công nghệ sẽ rất khó khăn để xác định các hành vi vi phạm.
Về Điều 18a ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đánh giá đây là bước tiến cần thiết, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và yêu cầu cải cách hành chính.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Ngọc đề nghị cần làm rõ phạm vi, đối tượng và từng giai đoạn của quy trình xử lý vi phạm hành chính có thể thực hiện trên môi trường điện tử; bổ sung quy định về bảo mật thông tin cá nhân, thông tin xử lý vi phạm; xác định rõ trách nhiệm bảo mật của các chủ thể có liên quan.
Đồng thời, có cơ chế giải quyết vướng mắc, khiếu nại, bảo đảm quyền lợi của người dân và tổ chức khi tham gia vào quá trình xử lý vi phạm hành chính điện tử.
Cũng theo đại biểu, qua khảo sát thực tiễn và làm việc với một số cơ quan trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận thực tế quy trình xử lý vi phạm hành chính còn nhiều khâu, yêu cầu tài liệu chứng cứ đầy đủ trong khi một số đối tượng vi phạm cố tình không hợp tác, gây chậm trễ tiến độ xử phạt. Do đó, dự thảo cần nghiên cứu đơn giản hóa một số thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý.