ĐBQH, chuyên gia: Quy định dạy thêm học thêm rõ ràng, dễ thực hiện, dễ giám sát

Các chuyên gia cho rằng, ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm quy định trong Thông tư 29, việc giám sát và tố giác các vi phạm hoạt động dạy thêm cũng rất cần thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025. Những quy định trong thông tư này hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh.

Phân loại đối tượng dạy thêm là cách ngăn chặn tình trạng bị "ép" học thêm hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc ban hành Thông tư 29 với những quy định cụ thể hơn so với trước đây đối với dạy thêm đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chấn chỉnh và tiến tới dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm trái quy định.

Qua đó, vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay: "Lâu nay, vấn đề dạy thêm có thu phí tràn lan, "ép" học sinh đi học thêm tại các lớp của giáo viên dạy chính khóa là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Có thể thấy rằng, nhu cầu học thêm là chính đáng và việc dạy thêm nó phù hợp với những học sinh thực sự có nhu cầu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, học sinh không có nhu cầu nhưng vẫn bị giáo viên ép buộc phải đi học thêm bằng cách này hay cách khác. Điều đó là phản giáo dục và chắc chắn hiệu quả thực chất của các buổi học thêm với tâm lý miễn cưỡng như vậy cũng sẽ không được như mong muốn.

Qua đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm và học thêm vào thời điểm này là hợp lý và mang tính cầu thị, lắng nghe đến những cảm xúc của phụ huynh, học sinh".

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh rằng, trong Thông tư 29 đã xem xét đến nhiều khía cạnh, vấn đề. Đồng thời thể hiện rõ được quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chấn chỉnh và xử lý tình trạng dạy thêm trái quy định đang diễn ra.

"Chúng ta đã có thời gian để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó cho thấy, khung chương trình, khối lượng kiến thức cần đạt được ở mỗi cấp học là khá phù hợp với mức độ tiếp thu của học sinh trên lớp.

Điều này có nghĩa là, khi giáo viên thực hiện hết trách nhiệm của mình khi giảng dạy toàn bộ khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa thì học sinh hoàn toàn có thể đủ kiến thức để theo kịp chương trình. Như vậy, nếu giáo viên dạy bằng tâm huyết, đúng đạo đức nghề nghiệp thì học sinh cũng không cần phải học thêm các với khối lượng kiến thức đã được học trên lớp.

Điều này cũng đã được thể hiện khá rõ trong quy định về đối tượng được tổ chức dạy thêm trong nhà trường tại Điều 5 của thông tư này.

Tôi cho rằng, tinh thần của các quy định trong thông tư hướng đến là đáp ứng với chất lượng học tập của học sinh một cách đại trà. Nghĩa là, học sinh nào yếu, kém thì mới cần phải dạy thêm để bổ túc cho các em theo kịp với số đông học sinh trong lớp đó. Tất nhiên, việc dạy thêm với các đối tượng này là không nhiều và phân loại rõ đối tượng nên không thể xảy ra trường hợp là trong lớp đó học sinh nào cũng phải đi học thêm.

Khi đã có sự phân loại rạch ròi như vậy thì chắc chắn, tình trạng giáo viên dạy chính khóa "ép" học sinh của mình phải đăng ký các lớp học thêm do giáo viên đó tổ chức sẽ từng bước được khống chế", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm về vấn này, ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV) cho rằng, những quy định được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong Thông tư 29 là khá cụ thể, dễ hiểu để các cá nhân, đơn vị có thể thực hiện, tránh vi phạm.

Ông Bùi Văn Phương cũng cho rằng, điều này cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có thái độ rất quyết liệt, dứt khoát đối với tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng khi ban hành các quy định để áp dụng một cách phù hợp.

"Tại Điều 4 của Thông tư 29 đã nêu rõ việc cấm dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp cụ thể được nêu ra. Điều này cho thấy rất rõ quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc không cấm dạy thêm với những học sinh có nhu cầu thực sự mà chỉ cấm dạy thêm với các trường hợp dạy thêm mang tính ép buộc, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội", ông Bùi Văn Phương bày tỏ.

Ngoài ra, ông Bùi Văn Phương nhấn mạnh rằng, khi Thông tư 29 đã có sự phân loại rõ ràng đối tượng được tổ chức dạy thêm trong trường, nó vừa giúp các học sinh yếu, kém được kèm cặp theo đúng nhu cầu thực sự, đồng thời nó cũng hạn chế việc mở lớp dạy thêm ồ ạt. Vì các đối tượng được phân loại là số ít, giáo viên muốn tổ chức thành lớp với quy mô nhiều học sinh cũng không được.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quochoi.vn

Còn với Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh khi chia sẻ về vấn đề này cũng nhấn mạnh rằng, quyết tâm của Bộ trong việc chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm trái quy định không chỉ bây giờ mới làm mà là nỗ lực trong nhiều năm nay. Tuy nhiên Thông tư 29 với các quy định cụ thể đã cho thấy Bộ đã cầu thị, lắng nghe những cảm xúc của phụ huynh.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua việc ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm.

"Thông qua đó, tôi hy vọng rằng, vấn nạn dạy thêm trái quy định, ép học sinh học thêm sẽ sớm được giải quyết", vị Đại biểu Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng.

Việc công khai thông tin hoạt động dạy thêm là thực sự cần thiết

Ngoài việc phân loại đối tượng tổ chức dạy thêm được nêu rõ trong Thông tư 29, việc quy định cụ thể về công khai các thông tin cần thiết nếu cá nhân, tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường tại Điều 6 của thông tư này cũng được các chuyên gia đánh giá cao.

Theo đó, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: "Việc công khai các thông tin là thực sự cần thiết, bởi lẽ nó giúp cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nắm rõ các trường hợp đó đã được cho phép dạy thêm hay chưa. Việc xử lý khi xảy ra các sự cố không mong muốn cũng dễ dàng hơn.

Nếu như giáo viên đưa ra lý do không dám công khai hoạt động dạy thêm vì sợ bị đánh thuế hoặc một nguyên nhân nào khác là không hợp lý. Thực tế, chế độ lương, thưởng của giáo viên hiện nay đã được quan tâm hơn, đời sống giáo viên cũng đã có nhiều cải thiện hơn so với trước đây. Việc cố tình không chấp hành các quy định đưa ra chỉ có thể là cơ sở dạy thêm do giáo viên đó tổ chức đang có vấn đề".

 Ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Phạm Minh

Ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Phạm Minh

Về vấn đề này, ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, việc yêu cầu công khai các thông tin liên quan đến hoạt động dạy thêm là cần thiết để có thể quản lý tốt việc dạy thêm.

Ông Tiến chia sẻ: "Việc dạy thêm, học thêm đúng nghĩa đó là giải quyết nhu cầu thực sự của một nhóm đối tượng nhất định chứ không nên coi đó là một phương thức thu nhập và phương tiện cải thiện đời sống với thầy cô giáo.

Hơn nữa, đời sống và chế độ với giáo viên ngày nay cũng đã được quan tâm hơn rất nhiều, nên không có lý do gì lại không công khai thông tin để né tránh thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Đồng thời, thông qua các thông tin công khai về hoạt động dạy thêm cũng là một khía cạnh giúp phụ huynh nhìn nhận ra các cơ sở hoạt động dạy thêm có uy tín. Bởi lẽ, khi hoạt động đàng hoàng thì không việc gì phải trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý cả".

Cần xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, ngoài việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định trong Thông tư 29 thì việc các nhà trường tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ việc cho con đi học thêm khi thực sự cần thiết cũng là việc nên làm thường xuyên.

"Các phụ huynh cũng cần hiểu rằng, nếu học sinh đó học lực quá yếu, không theo kịp các bạn khác trong lớp thì mới cần phải bố trí dạy thêm, bổ túc thêm kiến thức. Những kiến thức trong sách giáo khoa đã được giảng dạy trên lớp nếu được giáo viên truyền dạy hết, học sinh đó hoàn toàn có thể đảm bảo yêu cầu học tập.

Với những trường hợp là học sinh khá, giỏi, nếu các phụ huynh muốn nâng cao khối lượng kiến thức hơn nữa thì có thể tìm đến các trung tâm dạy thêm được cấp phép.

Nếu phụ huynh nhận thức được việc học thêm chỉ thực sự cần thiết khi con đang ở trong các nhóm đối tượng trên thì không thể xảy ra tình trạng dạy thêm ồ ạt. Các giáo viên có ý định mở lớp dạy chui cũng không thể thực hiện được vì không có sự "giúp sức" của phụ huynh.

Nếu việc thực hiện nghiêm túc các quy định được thực hiện song song với công tác tuyên truyền thì tôi tin rằng, vấn nạn dạy thêm trái quy định tràn lan như hiện nay sẽ dần được xóa bỏ", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

 Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Quochoi.vn

Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Quochoi.vn

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Phương cho rằng, sự vào cuộc và chung tay của toàn xã hội đối với việc giám sát các hoạt động dạy thêm là rất cần thiết. Đặc biệt là cần phát huy hơn nữa vai trò của quần chúng và phụ huynh khi tố giác các hoạt động dạy thêm, học thêm.

"Khi phát hiện các trường hợp dạy thêm trái quy định thì cần xử lý nghiêm. Đồng thời, cũng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả và là cơ sở cho các địa phương đều thực hiện", ông Bùi Văn Phương nhấn mạnh.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Thị Hà, để chấn chỉnh tình trạng giáo viên mở lớp dạy thêm chui với học sinh chính khóa, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của phụ huynh, nhà trường và nhà quản lý. Đặc biệt là việc phát hiện, phản ánh và xử lý các vi phạm.

Quan trọng hơn hết là việc tăng cường tuyên truyền để cho cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm không dám vi phạm quy định và tuân thủ các yêu cầu đặt ra với hoạt động dạy thêm học thêm theo quy định tại thông tư này. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để răn đe, tiến tới chấm dứt tình trạng mở lớp dạy thêm chui, ép học sinh đi học thêm

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dbqh-chuyen-gia-quy-dinh-day-them-hoc-them-ro-rang-de-thuc-hien-de-giam-sat-post248452.gd
Zalo