ĐBQH Bắc Kạn góp ý xây dựng dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
BBK- Chiều 06/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV làm việc tại Tổ để thảo luận về: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Tại Tổ thảo luận số 11, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Long, Sơn La, Long An đã sôi nổi thảo luận về các nội dung còn bất cập trong các dự án luật trên.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tham gia thảo luận, đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã góp ý vào một số quy định cụ thể của dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo đại biểu Hà Sỹ Huân, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã bộc lộ một số điểm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, trong bối cảnh đổi mới sáng tạo đang trở thành động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc xây dựng và ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực quốc gia về khoa học, công nghệ là yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập quốc tế và tiếp cận các mô hình chính sách khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, băn khoăn với việc dự thảo Luật hiện có 8 Chương và 83 Điều, trong đó có hơn 40 Điều được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu Hà Sỹ Huân kiến nghị khi ban hành các nghị định hướng dẫn, Chính phủ cần xem xét cụ thể hóa các điều luật, tránh tình trạng các địa phương phải ban hành thêm văn bản quy phạm riêng.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất mở rộng chính sách ưu đãi, miễn thuế hoặc thuê tài sản gắn liền với đất đai cho các tổ chức, cá nhân tham gia các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa; đề nghị bổ sung nguồn ngân sách trung ương hoặc quỹ quốc gia để hỗ trợ các địa phương có nguồn thu ngân sách hạn hẹp trong việc thực hiện các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Hà Sỹ Huân cơ bản nhất trí với các nội dung được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, trong dự thảo có một số điều luật sử dụng từ ngữ chưa thống nhất, như "tổ chức và cá nhân" hoặc "doanh nghiệp", có thể dẫn tới việc bỏ sót các đối tượng như hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, đề nghị rà soát, chỉnh sửa để đảm bảo các đối tượng như hợp tác xã, cơ sở sản xuất cũng được bao gồm trong phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại Tổ.
Cùng thảo luận về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH Đoàn Bắc Kạn) tập trung phân tích và cho ý kiến vào các quy định về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhận định, Nhà nước đang có nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đồng thời sẵn sàng cấp kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ có chất lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các nhà khoa học, mặc dù rất tâm huyết và sẵn sàng cống hiến, nhưng các nhà khoa học vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn kinh phí, việc quyết toán kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian, cản trở hoạt động nghiên cứu.
Do đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến công tác tổ chức thẩm định, lựa chọn các nhiệm vụ khoa học ngay từ đầu để đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả. Khi nghiệm thu kết quả nghiên cứu đạt yêu cầu, cần có cơ chế thanh toán đơn giản, không đòi hỏi các thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, cần bổ sung các nguyên tắc cụ thể vào luật, để các văn bản hướng dẫn thi hành sau này không vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật./.