Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
BHG - Chiều 7.5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại tổ 6, các đại biểu Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đóng góp nhiều ý kiến vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Trưởng đoàn Lý Thị Lan thảo luận. (Ảnh: CTV)
Với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Lý Thị Lan, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật này, cho rằng dự án luật với trọng tâm là chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp hành chính, loại bỏ cấp huyện để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cấp tỉnh và cấp cơ sở sẽ đưa chính quyền đến gần dân hơn, giải quyết kịp thời, hiệu quả thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Để luật đi vào cuộc sống và đạt các mục tiêu đề ra, đại biểu cho rằng các điều khoản chuyển tiếp và cơ chế triển khai cần được quy định rõ ràng, linh hoạt về thẩm quyền của cấp tỉnh hay cấp xã trong xử lý các công việc khi bàn giao khối lượng công việc lớn của cấp huyện cũ như việc xử lý công nợ… với mục tiêu cao nhất là đảm bảo duy trì sự liên tục, thông suốt khi triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.
Đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai luật ngay khi luật có hiệu lực để xử lý kịp thời các vấn đề trong thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính; ưu tiên đầu tư hạ tầng, hạ tầng số cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận. (Ảnh: CTV)
Góp ý vào dự án luật này, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị, trong quy định về đơn vị hành chính tại Điều 1 và Điều 3 dự thảo luật, nếu bổ sung “đơn vị hành chính ở miền núi” tại dự thảo luật thì cần sửa lại khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp theo hướng bổ sung cụm từ “miền núi”; nếu ko thì phải bỏ cụm từ “miền núi” tại khoản 2 Điều 3 dự thảo luật để đảm bảo thống nhất quy định về đơn vị hành chính.
Đại biểu Vương Thị Hương cũng góp ý cụ thể vào nội dung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND xã, phường; cơ cấu tổ chức của HĐND. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận. (Ảnh: CTV)
Đại biểu Hoàng Ngọc Định băn khoăn, trong dự thảo luật về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh có quy định hoạt động công tác đối ngoại nhưng ở UBND cấp xã không quy định về nhiệm vụ này. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm hoạt động đối ngoại trong nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp xã. Bởi chủ trương của T.Ư là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp cơ sở, trong khi nhiều xã biên giới của Hà Giang cách trung tâm hành chính tỉnh trên 300 km, nếu chờ cấp tỉnh xuống cơ sở giải quyết sẽ mất 8 - 9 tiếng, không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh về công tác đối ngoại. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định này.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội tập trung vào các quy định chính sách thu hút người tài vào khu vực Nhà nước. Đại biểu đánh giá cao dự thảo đã mở rộng phạm vi và quy định cụ thể hơn so với luật hiện hành, nhưng cho rằng các quy định còn chung chung, khó khả thi và có sự mâu thuẫn về phạm vi giữa các khoản. Để khắc phục, đại biểu đề xuất quy định cụ thể, rõ ràng và khả thi ngay trong luật, bao gồm 5 vấn đề về: Cơ chế tuyển dụng đặc cách; chế độ đãi ngộ đặc biệt; đánh giá minh bạch, công bằng; chống chạy chức, chạy quyền và khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo.
Đại biểu cho rằng, để chính sách thu hút người tài thực sự khả thi và có tính pháp lý rõ ràng thì phương thức tuyển dụng là yếu tố rất then chốt và cần được quy định ngay trong Luật Cán bộ, công chức chứ không chỉ trong Nghị định hay Thông tư hướng dẫn. Việc đánh giá công chức có tài năng, cần quy định theo hướng thực chất, công bằng, minh bạch và dựa trên kết quả, sản phẩm đầu ra, chứ không chỉ hình thức hoặc dựa trên cảm tính, thâm niên; nội dung này cũng cần được quy định trong luật.
Góp ý vào dự thảo luật này, Trưởng đoàn Lý Thị Lan đề xuất bổ sung đối tượng công chức, viên chức đối với người làm việc chuyên trách tại các hội, đoàn thể do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp T.Ư, tỉnh, cấp xã.