Dạy sáng tạo, học thông minh

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong chiến lược chuyển đổi số, ngành GD&ĐT Bình Phước đã không ngừng đổi mới, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến và hiện đại. Trong đó, giáo dục thông minh là hướng đi đang được Bình Phước quyết tâm thực hiện.

Các môn học của học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung, TP. Đồng Xoài được đào tạo gắn liền với đổi mới sáng tạo, thích ứng với giáo dục hiện đại

Các môn học của học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung, TP. Đồng Xoài được đào tạo gắn liền với đổi mới sáng tạo, thích ứng với giáo dục hiện đại

“Trợ giảng” đắc lực

Một không gian lớp học được công nghệ hóa, ứng dụng các thiết bị thông minh để hỗ trợ quá trình học tập và giảng dạy. Đó là mô hình lớp học thông minh vừa được triển khai tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh.

Tại lớp học thông minh này, học sinh không học như cách truyền thống. Trên bục giảng, chiếc bảng đen đã được thiết kế lại, dành diện tích lớn cho màn hình tương tác hiện đại. Không chỉ xem trình chiếu bài giảng, học sinh có thể tương tác trực tiếp trên màn hình khi thực hiện bài tập. Mỗi học sinh cũng được làm chủ một chiếc laptop kết nối, tích hợp các dữ liệu sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử, kho học liệu số theo chuẩn của Bộ GD&ĐT, giúp tăng khả năng tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa giáo viên và học sinh.

“Em rất hào hứng với lớp học thông minh vì được học và làm bài tập trên máy tính. Trong giờ học, chúng em được thực hành trực tiếp, tương tác nhiều hơn với giáo viên. Em rất mong sẽ có nhiều tiết học như thế này”.

Em Trương Thị Đào, lớp 6A1, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh

Tại lớp học thông minh, giáo viên tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ để thiết kế bài giảng tạo hứng thú cho các em trong mỗi tiết học, tăng cường khả năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh qua việc dạy nhóm, học nhóm, thảo luận nhóm thông qua phần mềm quản lý lớp học; học sinh và giáo viên tiếp xúc trực tiếp trong môi trường giáo dục có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bảo đảm truyền đạt kiến thức tốt hơn, khơi dậy sự sáng tạo, kích thích niềm đam mê học tập của học sinh.

Mỗi học sinh tại lớp học thông minh, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh được làm chủ một chiếc laptop kết nối, tích hợp các dữ liệu sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử

Mỗi học sinh tại lớp học thông minh, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh được làm chủ một chiếc laptop kết nối, tích hợp các dữ liệu sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử

Cô Bùi Thị Minh Nghĩa, giáo viên môn Tin học cho biết: Các thiết bị kỹ thuật số hiện đại đã giúp giáo viên sử dụng triệt để nguồn học liệu phong phú, các ứng dụng, phần mềm tương thích nhiều dạng câu hỏi, cách thể hiện. Qua theo dõi các tiết học chất lượng đều tăng, học sinh hào hứng hơn.

Mô hình lớp học thông minh tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mô hình đang tích hợp đa dạng các sản phẩm dịch vụ của Viettel gồm các giải pháp phần cứng và phần mềm. Đó là tivi thông minh màn hình cảm ứng, hệ thống máy tính xách tay; thiết bị màn hình tương tác cho các phòng học lý thuyết, hệ thống máy tính bàn tra cứu trong thư viện hướng tới thư viện số. Ngoài các thiết bị chính, Viettel còn cung cấp nhiều giải pháp chuyển đổi số giáo dục cho nhà trường.

Thượng tá Đoàn Tô Hoài, Phó Giám đốc giải pháp công nghệ thông tin Viettel Bình Phước cho biết: Song song với việc triển khai các giải pháp nền tảng phần mềm, Viettel đã cung cấp giải pháp phần cứng cho các phòng học thông minh, trang thiết bị cho dạy và học trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đầu tư và ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số đang giúp các cấp quản lý giáo dục có dữ liệu minh bạch, dễ dàng giám sát và ra quyết định chính xác.

Ðưa giáo dục vươn mình

Chuyển đổi số trong giáo dục đang dần thay đổi phương pháp dạy và học từ truyền thống sang dạy học tích cực, phát huy khả năng, tư duy sáng tạo, chủ động của cả thầy và trò không chỉ ở trung tâm thành thị mà còn vùng sâu, xa. Điển hình như lớp học thông minh ở Trường THCS Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, mỗi học sinh được làm chủ một chiếc iPad chứa các nội dung bài học đã được số hóa. Giáo viên có thể tương tác với học sinh qua máy tính. Xuyên suốt giờ học, giáo viên và học sinh tương tác qua hình ảnh trực quan sinh động.

Trong lớp học thông minh, giáo viên tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ để thiết kế bài giảng tạo hứng thú cho học sinh

Trong lớp học thông minh, giáo viên tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ để thiết kế bài giảng tạo hứng thú cho học sinh

Với xã vùng sâu, xa như Đắk Ơ, trong khi nhiều gia đình không có điều kiện trang bị máy tính phục vụ việc học của con em mình thì lớp học thông minh với máy móc tiện nghi sẽ là giải pháp để các em tiếp cận gần hơn với công nghệ số. Theo cô Nguyễn Thị Lương, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đắk Ơ, lợi ích của phòng học thông minh là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Với các thiết bị, phần mềm mới, học sinh là người đóng vai trò chính trong các tiết học và giáo viên chỉ hỗ trợ, hướng dẫn. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy mà một số bài học vốn trừu tượng, khô khan đã trở nên trực quan, sinh động, kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng của học sinh.

Những năm gần đây, ngành GD&ĐT Bình Phước đã có nhiều giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, mục tiêu tạo ra đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và học sinh trở thành những công dân số, công dân toàn cầu trong tương lai. Như Trường THPT Nguyễn Khuyến, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, 30 phòng học và các phòng chức năng của trường đã được trang bị máy chiếu, màn hình tivi, số hóa thông tin quản lý, số hóa học liệu, sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, chữ ký số, thanh toán học phí không dùng tiền mặt, ứng dụng phần mềm chuyên ngành vào công tác dạy và học...

Thầy Nguyễn Mạnh Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: Đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp giáo viên, học sinh có điều kiện, môi trường tốt nhất để thay đổi cách dạy và học. Hiệu quả mang lại là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường hằng năm luôn đạt gần 100% và số lượng học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm luôn đạt trên 85%. Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường mà còn giúp học sinh hình thành kỹ năng số. Trường học thông minh sẽ là nền tảng vững chắc để hình thành thế hệ công dân số trong tương lai.

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc đã và đang là điểm đến cho hành trình phát triển nền giáo dục thông minh. Đây không chỉ là môi trường học tập lý tưởng mà còn là nơi học sinh có thể thực hành, thử nghiệm và phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ thông tin, những hành trang quan trọng cho tương lai.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/171606/day-sang-tao-hoc-thong-minh
Zalo