Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam

Hội nghị tổng kết Dự án 'Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam, giai đoạn 3 (2022 – 2025) được tổ chức sáng 16/4.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Sự kiện diễn ra tại Hà Nội, do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam thực hiện. Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, sau hơn 1 năm thực hiện, dự án đã đạt được cơ bản các mục tiêu đề ra.

Trong đó, điểm nhấn là mô-đun bồi dưỡng thường xuyên cấp mầm non và tiểu học đã được số hóa, cập nhật trên hệ thống TEMIS của Bộ GD&ĐT để cán bộ quản lý, giáo viên chủ động tham gia bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân. Qua đó, nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.

 Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội nghị.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội nghị.

Thời gian qua, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT tiến hành triển khai có hiệu quả Dự án “Các phương pháp tiếp cận dành cho giáo dục mầm non và tiểu học của Việt Nam”.

Dự án được triển khai ở các trường mầm non và trường tiểu học tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của một số địa phương vùng khó khăn. Với những kết quả đã đạt được, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhận thấy, Dự án mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kĩ năng đọc, viết cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

“Thời gian tới, sự hợp tác chặt chẽ này tiếp tục được duy trì, bền vững nhằm đem lại những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam, trong đó quan tâm đến các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường mầm non, phổ thông” - ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.

Hơn 7 năm đồng hành cùng dự án, bà Lê Thị Thùy Dương - Giám đốc Chương trình Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam chia sẻ: “Khi dự án khởi động giai đoạn đầu (năm 2018”, chúng tôi ước mơ giản dị: mang đến một môi trường học tập công bằng, thân thiện và hiệu quả hơn cho những trẻ em còn chịu nhiều thiệt thòi”.

Trải qua 2 giai đoạn đầu, chúng ta đã cùng nhau thử nghiệm, tinh chỉnh và lan tỏa các cách tiếp cận như: Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Toán và Đọc viết cũng như tăng cường đọc viết cho học sinh tiểu học, phát triển học liệu số, cải thiện môi trường học tập tại trường và tại nhà…

Ngoài ra, dự án đồng hành với 8 tỉnh, thành phố trên cả 3 miền đất nước, cùng hơn 5.000 giáo viên, 50.000 trẻ em và hàng ngàn phụ huynh trong hành trình nâng cao chất lượng học tập. Hai mô-đun đào tạo giáo viên tiểu học tích hợp tăng cường Đọc viết được Bộ GD&ĐT thẩm định, mở ra khả năng nhân rộng bền vững trên quy mô quốc gia.

 Bà Lê Thị Thùy Dương chia sẻ tại hội nghị.

Bà Lê Thị Thùy Dương chia sẻ tại hội nghị.

“Giai đoạn 3 (2022–2025) là thành quả tiếp nối từ hai giai đoạn trước, kế thừa bài học, phát huy mô hình tốt và chuyển hóa thành những kết quả có sức lan tỏa rõ nét”- bà Lê Thị Thùy Dương nhấn mạnh, đồng thời viện dẫn, gần 27.000 trẻ em và 27.000 phụ huynh tại Hải Phòng và Đồng Tháp được hưởng lợi trực tiếp. Gần 1.700 giáo viên được đào tạo và hỗ trợ ứng dụng các phương pháp mới trong giảng dạy.

Các mô hình thực hành tốt được ghi nhận và áp dụng rộng rãi gồm: Hệ thống tin nhắn hỗ trợ phụ huynh trong việc đồng hành cùng con học tại nhà. Ứng dụng “Vui đọc cùng em” – một sản phẩm công nghệ giáo dục tiên phong, được thiết kế sinh động, gần gũi với chương trình học chính khóa, giúp nâng cao năng lực đọc hiểu và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách ở trẻ.

Các mô-đun đào tạo giáo viên về dạy đọc viết cho học sinh tiểu học và chuẩn bị kỹ năng tiền tiểu học cho trẻ mầm non đã được số hóa và tích hợp vào hệ thống học tập trực tuyến của Bộ GD&ĐT cũng như hệ thống học tập trực tuyến.

 Ông Đào Khắc Việt báo cáo kết quả dự án.

Ông Đào Khắc Việt báo cáo kết quả dự án.

Từ kết quả của dự án, ông Đào Khắc Việt, quản lý dự án Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đề xuất, lãnh đạo ngành giáo dục tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy việc chia sẻ và áp dụng các bộ công cụ trên địa bàn, ngoài trường dự án.

Sở GD&ĐT sẽ chọn mô đun về ELM và LB khi triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh nhằm tăng cường sự tham gia của họ trong các hoạt động hỗ trợ giáo dục trẻ tại nhà. Mặt khác, tạo cơ hội cho việc học hỏi trao đổi kinh nghiệm giữa các địa bàn.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Ngày 11/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4245/QĐ-BGDĐT phê duyệt Dự án “Các phương pháp tiếp cận dành cho giáo dục mầm non và tiểu học của Việt Nam” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em viện trợ không hoàn lại. Mục tiêu của dự án nhằm chuẩn hóa về tài liệu các phương pháp tiếp cận dành cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Từ đó, phát triển các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên trong các mô đun thuộc chương trình bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên cấp mầm non và tiểu học.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-cho-tre-em-thiet-thoi-tai-viet-nam-post727342.html
Zalo