Đưa trí tuệ nhân tạo vào giáo dục phổ thông

Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với vai trò là trung tâm vùng, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai phong trào 'Bình dân học AI' để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong lộ trình phát triển này, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh chú trọng ứng dụng AI để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ) ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thực hành xây dựng, thiết kế website. Ảnh: Thu Nga

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ) ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thực hành xây dựng, thiết kế website. Ảnh: Thu Nga

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết Sở đã chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục tích cực ứng dụng AI trong dạy và học, với các giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, chương trình “Bình dân học AI” của tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng AI cho cán bộ quản lý, giáo viên; ứng dụng AI trong quản lý và giảng dạy cho học sinh, người lao động; hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ học tập, ứng dụng AI... Từ đó góp phần nâng cao kỹ năng ứng dụng AI cho giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh hiện đại hóa giáo dục, chuyển đổi số trong dạy và học.

Nhằm cụ thể hóa các giải pháp, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT và các trường đã phát động và tích cực hưởng ứng phong trào "Mỗi giáo viên, mỗi học sinh - Một tài khoản AI" để khuyến khích học tập; phối hợp với các đơn vị, chuyên gia AI tổ chức các khóa tập huấn về ứng dụng AI trong giảng dạy; lựa chọn giáo viên nòng cốt tham gia đào tạo, sau đó triển khai nhân rộng trong toàn ngành; tích hợp nội dung về AI vào chương trình giáo dục STEM, STEAM, Tin học, giáo dục kỹ năng công dân số. Đồng thời tích cực thực hiện thí điểm ứng dụng AI trong hỗ trợ giảng dạy, chấm bài tự động, đánh giá năng lực học sinh; triển khai nền tảng học tập trực tuyến có tích hợp AI, hỗ trợ cá nhân hóa học tập...

Ông Lê Công Thành, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe Technology), chuyên hoạt động về lĩnh vực AI và dữ liệu lớn, chia sẻ: AI mang đến giải pháp đột phá để cá nhân hóa quá trình học tập. Thông qua các nền tảng học tập thông minh, AI có thể phân tích dữ liệu học tập của từng học sinh để gợi ý lộ trình học tập riêng. Đồng thời giúp tăng cường hứng thú học tập của học sinh thông qua các bài học được ‘game hóa’ sinh động và nội dung tương tác phù hợp với sở thích từng cá nhân. AI không chỉ mang lợi ích cho người học, còn là trợ thủ đắc lực cho giáo viên trong công tác giảng dạy.

Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) được Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn thực hiện tiết dạy tổng hợp có ứng dụng nền tảng OLM, lồng ghép tiếng Anh, ứng dụng AI, ClassDojo...

Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) được Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn thực hiện tiết dạy tổng hợp có ứng dụng nền tảng OLM, lồng ghép tiếng Anh, ứng dụng AI, ClassDojo...

AI có thể gánh vác một phần công việc của các thầy, cô giáo (như: soạn giáo án, chấm bài, giải đáp thắc mắc cho học sinh, nghiên cứu chuyên môn...) thông qua các trợ giảng ảo thông minh. Ví dụ, các mô hình GenAI (AI tạo sinh) như ChatGPT có thể hỗ trợ thầy, cô giáo lên ý tưởng và soạn thảo nhanh một kế hoạch bài giảng chi tiết, gợi ý những hoạt động dạy học sáng tạo phù hợp với từng chủ đề...

Khi giáo viên cần soạn đề kiểm tra hoặc bài tập về nhà, AI có thể đề xuất ngân hàng câu hỏi ở nhiều mức độ, giúp các thầy, cô giáo tiết kiệm thời gian chuẩn bị. Trong khâu chấm bài, AI có khả năng tự động chấm các bài trắc nghiệm, thậm chí bước đầu nhận xét được các bài viết của học sinh.

Đặc biệt, trợ giảng ảo có thể hoạt động 24/7 để giải đáp những câu hỏi thường gặp của học sinh ngoài giờ lên lớp; học sinh có thể hỏi trợ lý AI về cách giải một bài toán khó lúc buổi tối và nhận được hướng dẫn từng bước, thay vì phải đợi đến hôm sau hỏi giáo viên...

Các cán bộ, giáo viên hưởng ứng phong trào "Bình dân học AI" do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Sông Công triển khai.

Các cán bộ, giáo viên hưởng ứng phong trào "Bình dân học AI" do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Sông Công triển khai.

Hiện nay, chương trình “Bình dân học AI” và “Luyện AI” hỗ trợ rất thiết thực, giúp các thầy, cô giáo và mọi người dễ dàng tiếp cận. “Bình dân học AI” là bước khởi đầu giúp mọi người làm quen và yêu thích AI, còn chương trình “Luyện AI” được thiết kế như một khóa đào tạo chuyên sâu hơn về kỹ năng làm chủ AI. Hai chương trình này bổ trợ cho nhau, cùng chung mục tiêu giúp giáo viên tự tin làm chủ AI để nâng cao chất lượng giáo dục.

Chương trình “Bình dân học AI” đã hình thành một cộng đồng học tập mở với hơn 400.000 thành viên trên toàn quốc (trong đó có nhiều thầy, cô giáo) cùng nhau học hỏi cách sử dụng AI trong công việc và cuộc sống...

Tham gia chương trình "Luyện AI", các thầy, cô giáo được kết nối với mạng lưới chuyên gia và đồng nghiệp trên cả nước, cùng chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới dạy học với AI; có thể truy cập kho tài nguyên phong phú (sách, video hướng dẫn, tài liệu tham khảo), đặt câu hỏi và được hỗ trợ bởi các thành viên giàu kinh nghiệm.

Đặc biệt, chương trình giới thiệu với các thầy, cô giáo những phương pháp, công cụ AI mới nhất có thể áp dụng ngay vào giảng dạy, như kỹ thuật viết prompt để khai thác trợ lý ảo hiệu quả, sử dụng AI hỗ trợ thiết kế bài giảng điện tử... Từ đó giúp học sinh tập trung hơn, tiến bộ nhanh hơn, và giáo viên cũng dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của từng em thông qua các báo cáo thông minh; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202504/dua-tri-tue-nhan-tao-vao-giao-duc-pho-thong-8882096/
Zalo