50 năm non sông liền một dải - Bài 10: Những bước tiến ngoạn mục
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một bộ phận không nhỏ người dân miền Nam còn mù chữ. Ngày 17-6-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 221CT/TW về công tác giáo dục ở miền Nam với quyết tâm 'xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa là nhiệm vụ cấp thiết số một'. Cuối tháng 2-1978, 21 tỉnh và thành phố ở miền Nam cơ bản hoàn thành kế hoạch xóa nạn mù chữ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, ngành giáo dục và đào tạo từ chỗ khó khăn, thiếu thốn đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước hội nhập quốc tế từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
Gầy dựng trong gian khó
Nhớ lại những ngày đầu về công tác tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), GS-TS-NGND Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết: “Sau khi tốt nghiệp đại học ở Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech), năm 1977, tôi chọn quay về phục vụ đất nước dù biết nhiều khó khăn, thiếu thốn. Lúc đó, ngành Khoa học máy tính chỉ là một bộ môn thuộc Khoa Điện - Điện tử.

Sinh viên ngành Điện - điện tử học thực hành tại phòng thí nghiệm cùng giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: THANH HÙNG
Tuyển sinh lúc đó chỉ có vài chục sinh viên, đào tạo trong điều kiện thiếu thốn. Máy tính cả trường chỉ có vài máy cũ kỹ, sinh viên muốn thực hành phải chờ cả ngày mới được vào phòng máy. Đồng phục thì một năm được cấp một quần hoặc một áo, quần áo rách phải may vá, sử dụng áo blouse trắng che bớt những chỗ khâu vá (thời đó giảng viên đứng lớp phải mặc áo blouse trắng) cho đỡ ngại với sinh viên”. GS-TS-NGND Phan Thị Tươi chia sẻ, nhờ có lòng quyết tâm, thống nhất về tư tưởng, bà cùng nhiều giảng viên khác - kể cả giảng viên của chế độ cũ, đã vượt qua tất cả khó khăn để đứng trên bục giảng, nỗ lực đóng góp vào công cuộc tái thiết, xây dựng TPHCM sau giải phóng.
Năm 1981, một lần nữa bà được xuất ngoại để học tiến sĩ ngành Khoa học máy tính ở Tiệp Khắc. Sau khi tốt nghiệp (năm 1984), bà tiếp tục về trường công tác và đến năm 1990 thì Khoa Khoa học máy tính được thành lập. Đến năm 1998, bà trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của một trường đại học. Trong giai đoạn từ năm 1998-2007, ở cương vị hiệu trưởng, bà “tả xung hữu đột” đưa trường phát triển mạnh mẽ.
Chương trình Robocon của trường 3 lần đoạt quán quân khi đánh bại những đối thủ sừng sỏ đến từ các quốc gia phát triển của châu Á. Cùng với đó, từ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trọng điểm đến đội ngũ giảng viên đều được nâng chất rõ rệt. Ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính do bà chủ trì đã trở thành chương trình đầu tiên của TPHCM và của cả nước đạt chuẩn kiểm định của Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Hoa Kỳ (ABET), nhiều chương trình kỹ sư tiên tiến hợp tác với Pháp, Nhật Bản...
Theo GS-TS-NGND Phan Thị Tươi, sự phát triển của nhà trường từ sau năm 1975 đến nay có thể nói là một bước tiến ngoạn mục. Có được những thành quả như hiện tại không thể không nói đến sự quan tâm của chính quyền và các cấp lãnh đạo của thành phố. Ký túc xá của trường tại quận 10 là công trình đầu tiên được UBND TPHCM cho vay vốn kích cầu với con số hơn 100 tỷ đồng để xây dựng và không tính lãi suất. Nhiều thế hệ học trò của trường đã và đang giữ nhiều chức vụ quan trọng từ Trung ương đến TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Đặc biệt, đội ngũ kỹ sư, cử nhân của trường đóng góp rất nhiều cho các công trình, dự án của thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tại TPHCM và cả khu vực phía Nam.
Cũng giống như GS-TS-NGND Phan Thị Tươi, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã có 42 năm gắn bó với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từ lúc là sinh viên (năm 1976) đến khi làm trưởng khoa rồi về hưu vào năm 2018. Nhìn lại hành trình đã đi qua, ông ví von sự phát triển của nhà trường như một giấc mơ. Năm 1976, toàn trường chỉ có khoảng 300-400 sinh viên, nhưng đến nay quy mô đã gấp hàng trăm lần. Ở TPHCM vào giai đoạn sau giải phóng, nói về kỹ thuật chỉ có Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Trường được công nhận quyền sử dụng đất đai là nhờ sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố, nhờ đó các dự án đầu tư, xây dựng các cơ sở của trường mới được thực hiện.
Có thể nói, song hành với sự phát triển và lớn mạnh của TPHCM sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở giáo dục đại học, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, từ đó tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, phát triển mọi mặt về giáo dục và đào tạo, kinh tế, khoa học công nghệ....
Nhiều mô hình giáo dục chất lượng cao
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường ở bậc tiểu học. Năm 1998, chương trình lần đầu tiên triển khai thí điểm ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1). Từ những kết quả ban đầu, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp cho cả bậc tiểu học và hai cấp THCS, THPT.
Tháng 11-2014, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5695/QĐ-UBND về triển khai Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (gọi tắt là Đề án 5695). Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, đề án được đánh giá mang tính đột phá, tiên phong trong việc dạy và học tiếng Anh, trở thành cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, theo yêu cầu đặt ra tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12-8-2024 về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) Lâm Triều Nghi nhận xét, việc học sinh trường công lập được học chương trình quốc tế với chi phí hợp lý là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tiến đến mục tiêu hội nhập quốc tế.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự tham mưu rất kịp thời, đúng mục tiêu, tầm nhìn xa và nhanh nhạy của Sở GD-ĐT TPHCM cùng quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của lãnh đạo UBND TPHCM. Theo đó, Đề án 5695 đã góp phần triển khai một trong các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ động hội nhập, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.
Chương trình không chỉ giúp học sinh nâng cao năng lực, phẩm chất; giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nhà trường tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mà còn giúp phụ huynh tăng thêm niềm tin với giáo dục và đào tạo nói riêng, chính quyền thành phố nói chung. Riêng ngành giáo dục có thêm một mô hình xã hội hóa đạt hiệu quả.
Ngoài chương trình tiếng Anh tích hợp, thành phố còn có nhiều chương trình, đề án mang tính đột phá, như mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học, các chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới… Đặc biệt, vào tháng 2-2024, việc TPHCM trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là cột mốc quan trọng ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của thành phố trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, tạo cơ hội cho mọi người dân đều được học tập, phát triển bền vững. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự cam kết của thành phố trong việc hội nhập quốc tế, xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, chất lượng cao.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, TPHCM chiếm hơn 60% số trường đại học và cao đẳng của vùng Đông Nam bộ. Trong đó, có 51 cơ sở giáo dục đại học và Đại học Quốc gia TPHCM (6 trường thành viên), 356 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 3 phân hiệu của các trường đại học. Quy mô sinh viên đại học và cao đẳng là hơn 400.000 em. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học tại TPHCM dẫn đầu về nhiều tiêu chí như: số chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế, số sinh viên quốc tế theo học, số trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế, số trường đại học được xếp hạng quốc tế, số ngành học được xếp hạng quốc tế...
Đối với giáo dục phổ thông, toàn thành phố có hơn 1,6 triệu học sinh mầm non và phổ thông, hơn 91.000 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non có quy mô trường lớp lớn nhất với 1.275 trường học, kế đến là tiểu học với 520 trường, hai cấp THCS và THPT lần lượt có 295 và 205 trường. Đến cuối năm 2025, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng 4.500 phòng học mới, đảm bảo tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân.