Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó đã và đang huy động sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp với nhiều hành động thiết thực, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, phát huy vai trò tiên phong, giám sát trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND tỉnh đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho các tổ chức, thương nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia.
Hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng (15/3). Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố chủ động triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam như treo băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên sóng truyền thanh, truyền hình; xe lưu động; đăng tin, bài, ảnh trên phương tiện truyền thông...; triển khai các hoạt động hướng ứng “Ngày Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 20/4”; tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, lựa chọn tiêu dùng các hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được sản xuất từ các địa phương trong tỉnh góp phần kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt, thúc đẩy sản xuất và phát triển KT-XH của địa phương.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh đã triển khai các hoạt động góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như tham mưu giới thiệu, đề cử một số đơn vị tiêu biểu của địa phương có các sản phẩm uy tín, chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng trên cả nước; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp xây dựng bộ ứng xử trong kinh doanh, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng, thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh quan tâm đến sản phẩm của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản tuân thủ nghiêm túc các nghĩa vụ đối với người tiêu dùng, coi đây là lợi thế cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các nhà sản xuất (có các sản phẩm có thương hiệu mạnh) tổ chức các chương trình nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, hằng năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, “Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia - Grand sale” nhằm tri ân người tiêu dùng như hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, tặng quà, giảm giá sản phẩm, bốc thăm trúng thưởng...
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn thiếu đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao; việc cung cấp thông tin, hỗ trợ phát hiện để kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn.
Các hội viên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh phần lớn là công chức các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thường xuyên thay đổi vị trí công tác, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động hội hạn chế; hoạt động thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng chưa thực sự phong phú, sâu rộng đến đông đảo nhân dân; hoạt động Hội còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước, chưa tổ chức được những hoạt động mang tính đặc thù của Hội để thu hút được sự quan tâm, tham gia, hợp tác của đông đảo nhân dân.

Siêu thị Go! Vĩnh Phúc tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm tri âm, thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử kéo theo tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả, nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do các sàn thương mại điện tử chưa có giải pháp hữu hiệu, còn lúng túng trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hoạt động chân chính cũng như người tiêu dùng.
Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong việc tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại; động viên, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, xây dựng thương hiệu gắn liền với uy tín và chất lượng sản phẩm, dịch vụ...