Đoàn đại biểu TPHCM dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ

Chiều 27-11, trong chuỗi hoạt động hành trình về nguồn 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' năm 2024 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, Đoàn đại biểu TPHCM đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ).

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn. Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Lò Thị Minh Phượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc cùng các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc cùng các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ

Tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, đoàn đại biểu thành kính đặt vòng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã không tiếc xương máu, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

Các thành viên trong đoàn cũng thắp những nén hương thơm lên mộ phần của các Anh hùng liệt sĩ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những anh linh các Anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

 Các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ

Các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ

 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc thắp hương đến mộ phần của các liệt sĩ

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc thắp hương đến mộ phần của các liệt sĩ

* Trước đó, đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Tại đây, đoàn đã dành phút mặc niệm để bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với các thế hệ cha anh và thắp nén tâm hương cầu mong anh linh các liệt sĩ, đồng bào tử nạn tại chiến trường Điện Biên Phủ được an giấc ngàn thu.

* Sáng cùng ngày, đoàn đã tham quan Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ: Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hầm De Castries...

 Tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đoàn đã thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tưởng niệm Đại tướng

Tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đoàn đã thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tưởng niệm Đại tướng

 Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cùng các nghệ sĩ tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cùng các nghệ sĩ tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự hùng mạnh, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, giải phóng hoàn toàn một nửa đất nước, mở đầu thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc. Với ý nghĩa và tầm vóc đặc biệt, di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009.

Trong đó, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm giữa khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là một trong 45 điểm Di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

 Đoàn chụp hình lưu niệm tại khu Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ)

Đoàn chụp hình lưu niệm tại khu Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ)

Đây là địa điểm dừng chân thứ 3 và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31-1-1954 đến ngày 15-5-1954. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tống công kích trên toàn mặt trận vào lúc 15 giờ ngày 7-5-1954, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn, được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên một diện tích rừng tự nhiên 73ha và làm bằng những vật liệu đơn sơ. Hiện nay, di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng đã được tôn tạo một số ngôi lán và hầm làm việc nhằm tái hiện lại cuộc sống chỉ huy, sinh hoạt của Bộ Chỉ huy chiến dịch như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin và Cục trưởng cục thông tin Hoàng Đạo Thúy, Đường hầm xuyên núi, Nhà tác chiến, Hội trường, Bếp Hoàng Cầm....

 Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có tổng diện tích hơn 18.000m2, Nhà trưng bày có diện tích 1.250m2, gồm 5 phần, với hơn 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, những cảnh quan, cảnh tượng được trưng bày khoa học, trực quan sinh động tái hiện lại cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất hào hùng của quân và dân Việt Nam. Toàn bộ không gian tầng II, với diện tích 4.500m2 là bức tranh Panorama phác họa những khoảnh khắc tiêu biểu nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

>>Một số hình ảnh của đoàn tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ:

* Tối 27-11, tại Quảng trường 7-5 (tỉnh Điện Biên), Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức chương trình văn nghệ giao lưu, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.

Dự chương trình, về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Về phía tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; Lò Thị Minh Phượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc tặng bức tranh do họa sĩ Lê Sa Long (thành viên đoàn văn nghệ sĩ TPHCM) vẽ đến tỉnh Điện Biên

Phát biểu tại chương trình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Tuyền bày tỏ, hành trình về nguồn “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” hôm nay là dịp để văn nghệ sĩ TPHCM cảm nhận sâu sắc về những tấm gương anh hùng, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, sự hy sinh to lớn của thế hệ ông cha đi trước để có nền độc lập, hòa bình hôm nay. Cảm nhận được những bài học lịch sử trong từng thớ đất, con người, trong từng ngọn cỏ, cành cây nơi đây còn lưu giữ máu đào của bao thế hệ cha, anh đi trước đã ngã xuống.

Đại diện các gia đình chính sách nhận quà từ đoàn văn nghệ sĩ TPHCM

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền tin tưởng qua hành trình, các văn nghệ sĩ TPHCM sẽ có thêm nhiều chất liệu, nhiều cảm xúc để tiếp tục sáng tác và biểu diễn những tác phẩm mang giá trị cao về lịch sử truyền thống dân tộc Việt Nam, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây cũng là cơ hội giúp cho văn nghệ sĩ trẻ hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm, ý chí giữ gìn chủ quyền lãnh thổ quê hương từ đó góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức cùng Đảng và Nhà nước lãnh đạo đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình vì hạnh phúc nhân dân, vì phồn vinh đất nước.

Nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng tặng vải áo dài lưu niệm cho đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên và tặng áo thun thiết kế về Điện Biên cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Năm tháng có thể trôi qua, những ký ức có thể phai mờ nhưng những chiến công của các thế hệ anh hùng, liệt sĩ sẽ không bao giờ phai trong lòng mỗi người dân nước Việt, vững chắc như sự tồn tại của những tượng đài nơi này để níu chân mỗi người khi đến với quê hương Điện Biên. Thay mặt các văn nghệ sĩ trẻ, diễn viên Cao Kim Mỹ gửi lời tri ân sâu sắc nhất về những hy sinh, mất mát cho cuộc sống hòa bình, tự do; gửi những tình cảm thân thương, nồng ấm nhất để cầu mong linh hồn các các thế hệ anh hùng, liệt sĩ được an giấc.

Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM tặng quà đến các em học sinh hoàn cảnh khó khăn xã Thanh Luông, tỉnh Điện Biên

Tại chương trình, các văn nghệ sĩ TPHCM đã đem lời ca, tiếng hát qua những giai điệu vọng cổ gửi tặng bà con Điện Biên. Trong không khí thân mật, ấm cúng, bà con tỉnh Điện Biên có dịp giao lưu cùng Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu, Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện. Đây là hai người tập kết ra Bắc, học tập và trở thành chiến sĩ văn hóa đi phục vụ khắp các chiến trường, trong đó có phục vụ văn nghệ tại Điện Biên trong những năm chiến tranh.

Chương trình văn nghệ các văn nghệ sĩ TPHCM dành tặng bà con tỉnh Điện Biên

Giao lưu cùng Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu, Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện

Dịp này, đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đã tặng 110 phần quà (tiền mặt) và quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với tổng kinh phí 235 triệu đồng.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doan-dai-bieu-tphcm-dang-hoa-dang-huong-tuong-niem-cac-anh-hung-liet-si-hy-sinh-tren-chien-truong-dien-bien-phu-post770274.html
Zalo